Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp
Theo Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 8/2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 83.700 tỷ đồng, đạt 7,1% dự toán, bằng 120,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2022 ước đạt 1.002.874 tỷ đồng, bằng 85,4% dự toán, bằng 118,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 951.789 tỷ đồng, bằng 83% dự toán, bằng 115,9% so với cùng kỳ.
Có thể nói, tình hình kinh tế nước ta trong 8 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng tốt. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I tăng 5,03%, quý II tăng 7,72% so với cùng kỳ, dự báo tốc độ tăng Quý III đạt khoảng 11%, kỳ vọng cả năm tăng 7,82%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường khi số doanh nghiệp (DN) gia nhập và quay trở lại hoạt động trong các tháng đầu năm đạt 101,8 nghìn DN, tăng 26,8% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng khá toàn diện trên cả nước (61/63 tỉnh, thành phố); giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN 8 tháng đầu năm 2022 tăng 16,9% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2022 tăng 19,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ.
Toàn ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế và triển khai nhiều giải pháp chống thất thu thuế. Theo đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại DN kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp của DN, qua đó xử lý vi phạm về hóa đơn, về thuế theo qui định.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, thực hiện đánh giá, phân loại rủi ro các hồ sơ hoàn để thực hiện thanh tra, kiểm tra 100% trong vòng một năm (kể từ thời điểm hoàn thuế) đối với các hồ sơ xác định có rủi ro cao đặc biệt với hoàn thuế xuất khẩu một số mặt hàng như: tinh bột sắn, cao su, hạt điều, dăm gỗ, nông sản,… ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Tiếp đó, thực hiện rà soát, phân tích rủi ro và tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các DN có rủi ro cao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN có giao dịch liên kết. Tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử trên toàn quốc...
Theo thống kê, đến cuối tháng 8, cơ quan Thuế đã thực hiện được 37.622 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 50,9% kế hoạch năm 2022, bằng 91,4% cùng kỳ; kiểm tra được 412.529 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 88,2% cùng kỳ. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt 35.475 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chỉ tiêu thu nợ
Trong thời gian từ nay đến cuối năm, ngành Thuế bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022 để tổ chức triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022.
Cụ thể, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn Luật quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế (NNT) thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Tổng cục Thuế yêu cầu toàn ngành Thuế rà soát lại toàn bộ nguồn thu trên địa bàn để tổ chức giao nhiệm vụ thu hàng tháng, hàng quý cho từng đơn vị quản lý thu sát với thực tế phát sinh. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Chú trọng theo dõi, đánh giá sát tình hình thu ngân sách những tháng cuối năm theo từng nguồn thu, từng địa bàn phù hợp với điều kiện tình hình hồi phục kinh tế để dự báo khả năng thu tích cực, sát thực tế, đặc biệt là các nguồn thu bị tác động bởi các chính sách hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng và các chính sách tài khóa tiền tệ khác.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp về quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chỉ tiêu thu nợ; thực hiện phân loại các khoản nợ thuế, đôn đốc thu phù hợp. Tiếp tục xử lý nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN cả năm 2022.
Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ về thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc Hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giúp DN và người dân nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu cho NSNN. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp phù hợp để tiếp tục hỗ trợ DN và người dân.
Một trong những giải pháp triển khai công tác quản lý thuế được đưa ra trong thời gian tới là, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ công tác quản lý các khoản thu từ đất và bất động sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản tới người dân, DN bằng nhiều hình thức đa dạng.
Ngoài ra, thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của NNT. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp về quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chỉ tiêu thu nợ; thực hiện phân loại các khoản nợ thuế, đôn đốc thu phù hợp. Tiếp tục xử lý nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN cả năm 2022./.