Đó là tâm sự của anh Trần Ngọc Anh (144/3A/1 hẻm Đống Đa, phường 25, quận Bình Thạnh). Hơn 12 năm nay, cái tên Trần Ngọc Anh không chỉ quen thuộc với thế hệ trẻ Thành đoàn TP. HCM trong việc tự nguyện đón học sinh đi thi đại học được ở miễn phí tại nhà anh. Việc làm từ thiện này của anh đã là một nghĩa cử cao đẹp … Tuy nhiên không chỉ dừng ở lại nơi đây, đặc biệt là trang điểm, chăm sóc đem lại phong thái ung dung cho người đang hấp hối hoặc quá cố… Công việc vô cùng khó khăn, độc hại nhưng anh không hề nhận khoản thù lao nào … Phải chăng đây là một duyên nghiệp nặng nề?
 |
Anh Trần Ngọc Anh tại nhà riêng của mình. |
Từ cái duyên đến … cái nghiệp .
Trần Ngọc Anh đến với công việc này khi anh vừa tròn 22 tuổi. Một lần anh bị tai nạn giao thông, phải nhập viện Chợ Rẫy. Bấy giờ nằm điều trị cạnh giường một cụ già đã gần 80 tuổi. Anh làm quen, bắt chuyện… và sau nhiều ngày tâm sự, tình cảm hai ông cháu trở nên thân thiết. Qua người thân, anh biết cụ già nằng nặc xui vợ con tìm và mời bằng được anh Trần Ngọc Anh để chăm sóc cho cụ trong giờ phút chuẩn bị lâm chung. Sau khi bắt được liên lạc, anh thường xuyên đến nhà an ủi, trò chuyện cho đến khi ông cụ qua đời. Đó là lần đầu trong đời anh vuốt mắt, nắn tay chân, sửa sang thế nằm, tắm rửa, trang điểm cho người đã chết. Với các thao tác xuất phát từ tấm chân tình, anh gần như một chuyên gia trang điểm chuyên nghiệp. Khuôn mặt của ông cụ trông rất hồng hào, ngời sáng lên nhờ một lớp phấn mỏng, tạo nên phong thái thanh thản của một người đang say ngủ, áo quần được nâng sửa thẳng thớm, tươm tất...
Anh tâm sự: ”Thời niên thiếu anh gia nhập Hội Légio Mariae, thường xuyên nguyện cầu cho “quốc thái dân an”. Hội luôn có những hoạt động đều đặn, chuyên nghiệp mỗi tuần hai tiếng đồng hồ như: Giúp đỡ bệnh nhân Bệnh viện Cộng Hòa ( Bệnh viện 175) gội đầu, tắm rửa, vệ sinh ... Nhờ vậy mà cái duyên sớm bộc phát, thúc giục tôi làm phước bất vụ lợi. Thay vì vui chơi hồn nhiên như các bạn cùng trang lứa, tôi lại mày mò, tìm kiếm những kiến thức trong sách báo để trang bị hành trang cho mình trên con đường “hành đạo” không chỉ làm cho thân nhân người đã khuất vơi nhẹ nỗi đau mất mát mà ngay thi thể bất động ấy như có gì đó đang chủ động ra đi trong tư thế ung dung. Đặc thù loại hình công việc này là mình phải bằng những phương thức, bài bản khi tiếp cận, để dễ dàng hòa mình với bất cứ môi trường sống, hoàn cảnh gia đình, “tầng lớp” bệnh nhân: trí thức hay bình dân, bản tính đạo đức hay khô khan … Điểm xuất phát tạo nên tính chuyên nghiệp trong khi thực hiện thao tác, công việc trang điểm là ở đức tin, tấm lòng …”
Anh Trần Ngọc Anh cho biết các bậc cao niên coi công việc của anh là duyên nghiệp, vì cơ duyên đã đưa đẩy anh đến với người đang hấp hối hoặc đã quá cố; và những gì anh làm gần như một cái nghề, nhưng là một nghề không đòi hỏi được trả công nên gọi là nghiệp. Một cái nghề rất hiếm người dám nghĩ đến để mưu sinh nên phải gọi là nghiệp. Nhiều người có cái duyên nghiệp vớt người chết hoặc cứu người trên sông, biển vì tình người hoặc được trả công như các nhân viên trại hòm, công ty mai táng. Nhưng, thường xuyên tắm rửa, trang điểm cho người chết mà không hề nhận tiền công như anh Trần Ngọc Anh rõ ràng chỉ là một cái nghiệp rất đáng trân trọng và kính phục hơn. Anh không thể nhớ nổi mình đã trang điểm, tắm rửa cho bao nhiêu người đã đi xa mà không nhận bất kỳ một khoản tiền thù lao nào từ các gia đình người đã khuất. Đồ nghề của anh rất lạ, là cuốn sách gối đầu “Chăm sóc bệnh nhân”, vài thỏi son, hồng, cam, đỏ; một hộp phấn trang điểm, thường là của phái đẹp, một vài xấp vải trắng để tẩm liệm cùng với những găng tay, vớ… 27 năm với công việc chăm sóc, tắm rửa, trang điểm cho người chết, trò chuyện, vỗ về người đang hấp hối; không phân biệt người theo đạo Phật, Công giáo hay người không tín ngưỡng nào; anh Trần Ngọc Anh đã âm thầm làm nên một kỳ tích nhân ái, khiến anh nổi tiếng một cách ấn tượng. Để có điều kiện hành thiện này, anh bỏ vốn xây một số phòng trọ, ưu tiên cho sinh viên thuê với giá phải chăng…
Miệng đời và phận người .
Được biết, có nhiều người dè bỉu cho rằng anh làm từ thiện để tạo tiếng tăm. Anh không những không buồn lòng, còn lấy đó làm sự thử thách tính kiên trì và lòng nhân ái của mình. Thời gian và thiện quả sẽ trả lời giùm anh. “Từ thiện phải gắn với cái tâm trong sáng và làm từ thiện cũng phải tập luyện. Mỗi ngày không biết tập cho đi thì cả đời chẳng biết cho đi là gì…”. Không ít người đã cảm phục việc làm và con người của anh; đã theo anh, góp công sức cho những việc làm đòi hỏi tính gan lì và lòng nhân ái. Nhưng không lâu sau đó họ đã phải lần lượt bỏ cuộc vì nhiều nguyên nhân. Người thì bị người thân, bạn bè trách cứ, chế diễu, nói xa, nói gần; người thì không còn chịu đựng nổi mùi tử khí, những xác vô thừa nhận thối rữa, trương sình… Nhiều tử thi sau khi nằm bệnh lâu quá đã bốc mùi vì ghẻ lở, hoại tử, nếu không cẩn thận trong suốt thời gian chăm sóc, người đạo tì (các chuyên viên Cty mai táng) sẽ bị lây nhiễm như chơi. Được biết, để làm được công việc gai góc này, anh Trần Ngọc Anh từ rất lâu, hễ nghe tin ở đâu có người chết là anh tìm đến; quan sát các thao tác của những đạo tì già, chuyên nghiệp; quan sát kỹ người bệnh để có kinh nghiệm khi bắt mạch, chiêm nghiệm thể xác bằng mắt, bằng tay… Nhất là sắc thái của người đang hấp hối hoặc người bệnh sắp đến thời điểm cần có người bên cạnh để thổ lộ những điều thầm kín mà họ đã giữ kín từ lâu. Do đó, cho đến nay, anh Trần Ngọc Anh nhớ rất rõ từng hoàn cảnh của từng người: ngày anh gặp họ, ngày mất, ngày thều thào, hấp hối, tâm sự, mất vì bệnh gì, tai nạn gì…
 |
Anh Trần Ngọc Anh đang trang điểm cho một người đã chết trước khi khâm niệm. |
Theo lời anh, mỗi người chết có một thân phận hoàn toàn khác nhau. Có một gia đình lần lượt bốn người qua đời đã được anh săn sóc. Họ là cha, mẹ, con dâu và con rể trong một nhà. Hầu hết những cái chết là nghịch cảnh, như cha con cùng chết trong một thời điểm, tai nạn giao thông. Anh còn nhớ rõ những “ca” nghiệt ngã như một thanh niên đồng tính, chết vì bệnh AIDS, một ông lão - từng là hướng dẫn viên du lịch, chết trong tư thế giang thẳng hai tay về phía trước như hân hoan chào đón người thân. Anh đặc biệt nhớ mãi một bà cụ neo đơn, con gái duy nhất ở Úc. Bà cụ được anh an ủi, trò chuyện mấy ngày rồi mới ra đi. “Sống cô đơn, chết cũng cô đơn”. Còn nhiều, rất nhiều người đã ra đi trước mắt anh, được anh chăm sóc với cả tình tương và lòng thông cảm. Anh rất thường xuyên giặt giũ cho cả những người nằm liệt, tiêu, tiểu tại giường. Có người trước khi mất đại tiện một ngày mấy mươi lần đến nỗi không còn đồ để thay. Ngoài những việc săn sóc, giúp đỡ nói trên, anh Trần Ngọc Anh còn không ít lần phải lo chạy vạy, quyên góp để mua hòm cho những người vô thừa nhận đáng thương. Thường xuyên và tích cực phụ lực với anh trong nghĩa cử này phải nói đến anh Định, chủ trại hòm An Lạc 1 (ngã ba Ông Tạ).
Chị K.D. ở Long Khánh bức xúc: -“Miệng đời thị phi chỉ làm nản lòng người háo danh. Tôi từng chăm sóc cho người thân khi mất nên hiểu, rất hiểu anh Trần Ngọc Anh và cái tâm của anh”. Chị đã một lần nuốt ngược nước mắt vào lòng, vẻ mặt ung dung, trang điểm cho người chồng quá cố trong khi những người thân khác tránh né ở xa xa. Sau đó, khi tang lễ hoàn tất, chị mới ngã gục, khóc thương. Anh N.V. Thỉ, chủ một nhà nghỉ ở Nhơn Trạch, Đồng Nai tâm sự:-“Tôi từng vĩnh biệt vài người thân trong gia đình ra đi. Thật tình mà nói, nếu có ai đó đưa tôi một số tiền cực lớn, biểu tôi chăm sóc người chết như anh Trần Ngọc Anh, một lần thôi, cho người thân trong gia đình đã mất, tôi xin… đầu hàng!”. Một cái tâm trong sáng, một tấm lòng nhân ái vô bờ bến như anh Trần Ngọc Anh luôn được mọi người trân trọng, kính phục. Lời dèm pha chỉ làm tăng thêm lòng quả cảm và cái tâm chân thật của anh./.
Mỹ Ánh