    |
 |
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt Kết luận số 150-KL/TW tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được tổ chức trong sáng nay, ngày 16/4. Ảnh: TTXVN |
Quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu
Thứ nhất, việc xây dựng phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy; phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc sau hợp nhất, sáp nhập là công việc quan trọng.
Cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy (trước và sau hợp nhất, sáp nhập) và các cơ quan chức năng theo quy định; đồng thời, gắn kết chặt chẽ với việc nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Thứ hai, phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh của các địa phương trong diện hợp nhất, sáp nhập bao gồm các đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh đương nhiệm; đối với cấp xã mới thành lập, bao gồm cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động được điều động, phân công về cấp xã và cấp ủy viên của cấp xã đương nhiệm, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Thứ ba, giữ vững nguyên tắc trong công tác nhân sự, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Việc phân công, chỉ định, bố trí, giới thiệu nhân sự căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện.
Trong đó, đặc biệt coi trọng, đề cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực lãnh đạo, uy tín, nhất là có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung và có kết quả, sản phẩm công tác cụ thể. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học, công nghệ nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Tuyệt đối tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, "lợi ích nhóm", tiêu cực trong phân công, bố trí, giới thiệu cán bộ. Không xem xét, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn đối với cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc có thông tin về trách nhiệm cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang, sẽ điều tra, thanh tra, kiểm tra.
    |
 |
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được tổ chức trong sáng ngày 16/4. Ảnh: Quốc hội |
Thứ tư, tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập, số lượng phó chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch ủy ban nhân dân và cấp phó của các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn so với quy định; đồng thời, việc phân công, bố trí số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy có thể nhiều hơn ở một số cơ quan, đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, sau 5 năm, số lượng và việc bố trí nhân sự sẽ thực hiện theo quy định.
Đối với đảng bộ cấp xã, phường, đặc khu (sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới) thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là cấp ủy viên cấp tỉnh làm bí thư đảng ủy. Trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông, thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm bí thư đảng ủy.
Thứ năm, thường trực cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp xã và cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập phải thực sự là một tập thể tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, đoàn kết, thống nhất cao; bảo đảm tính kế thừa, phát triển và có cơ cấu đại diện cân đối, hài hòa giữa các địa phương; đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập và góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng.
Thứ sáu, chủ động làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời đối với những hành vi, việc làm vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nhất là trong công tác bố trí, sắp xếp nhân sự.
Tiêu chuẩn cấp ủy viên, ủy ban kiểm tra cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý
Tiêu chuẩn cấp ủy viên, ủy ban kiểm tra cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cơ bản thực hiện theo Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tiêu chuẩn cấp ủy viên nêu tại Chi thị mới của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội XIV của Đảng và các quy định liên quan của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ.
Trong đó, cần cụ thể hóa rõ hơn tiêu chuẩn về chính trị; trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo; kết quả, sản phẩm cụ thể... của cán bộ thuộc diện ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy quản lý (gồm cả cán bộ cấp xã) và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để làm căn cứ, cơ sở xem xét, bố trí theo thẩm quyền.
K. Dung