Nhiều đại biểu không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ

Thứ ba, 17/11/2020 08:06
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị: Không tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất; không chuyển thẩm quyền quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

Sáng 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án  Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, các vị đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008, song đề nghị không tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất và không chuyển thẩm quyền quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng ( Đoàn Quảng Trị), việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành để thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là không hợp lý.

Đại biểu khẳng định hơn 10 năm qua, khi thực thi Luật Giao thông đường bộ, lĩnh vực giao thông đường bộ do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý tổng thể toàn diện, xuyên suốt, ổn định trong nhiều năm đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ rộng khắp trong cả nước. Công tác phối hợp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật đã có những tiến bộ tích cực.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, bảo đảm an toàn giao thông là mục tiêu rất quan trọng của hoạt động giao thông đường bộ. Mức độ an toàn giao thông đều phụ thuộc và chịu tác động của 4 thành tố về kết cấu hạ tầng, phương tiện, người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông, quy tắc giao thông chứ không riêng gì thành tố nào.

“Nếu trong trường hợp cả 2 Bộ cùng tham gia quản lý theo cách mà dự án quy định là tách bạch lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thì khi có vụ việc xảy ra mà lý do từ các thành tố tổng hợp thì ngành nào sẽ phải chịu trách nhiệm?” – đại biểu phát biểu.

Mặt khác, theo đại biểu, các Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đang có kết cấu bao gồm 4 thành tố tương tự như Luật Giao thông đường bộ mang tính quy chuẩn, thống nhất, đồng bộ. Nếu tách Luật giao thông đường bộ thành hai luật sẽ phá vỡ kết cấu vốn đã hợp lý, logic trong hệ thống luật giao thông, hay nói rộng ra là phá vỡ những quy chuẩn nền tảng thống nhất của cả hệ thống pháp luật nước nhà và sẽ tạo ra một tiền đề hết sức nguy hiểm cho công tác xây dựng pháp luật theo kiểu tùy nghi sau này.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét không tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật và không chuyển quyền cấp giấy phép xe mô tô, ô tô từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, mà cần nghiên cứu tổng thể những vấn đề còn bất cập để tích hợp sửa đổi nội dung cho một dự án chung, thống nhất là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) phát biểu thảo luận (Ảnh: QH) 

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cũng bày tỏ không đồng tình việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật riêng vì hai lý do: Không hợp lý và chưa đúng với tinh thần Nghị quyết 18.

Với lý do thứ nhất, đại biểu đề nghị Chính phủ giải trình tính hợp lý trong quá trình xây dựng 2 luật riêng này. “Thực tế cho thấy không có gì làm phiền người dân hơn là tình cảnh hành động hợp lý thì không hợp pháp, mà hợp pháp thì không hợp lý. Tôi lấy ví dụ ngay trong lĩnh vực giao thông đường bộ, việc cắm mốc, hạn chế tốc độ đang đẩy cánh tài xế vào tình cảnh như vậy. Cụ thể, xe chạy chậm trên những con đường được xây dựng, được nâng cấp để chạy cho nhanh là hợp pháp nhưng không hợp lý, còn làm điều ngược lại thì hợp lý nhưng lại không hợp pháp” – đại biểu nói . Khi hợp lý và hợp pháp xung đột với nhau sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Với lý do thứ hai là chưa đúng với tinh thần Nghị quyết 18, đại biểu phân tích: Ngành Giao thông vận tải đã được pháp luật giao chủ trì quản lý nhà nước về các lĩnh vực giao thông vận tải từ đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không với 5 mục tiêu: An toàn, thông suốt, thuận tiện, kinh tế và thân thiện với môi trường. 5 mục tiêu này là một thể thống nhất không thể tách rời trong bất kỳ một hoạt động quản lý nhà nước nào về giao thông vận tải. Như vậy, ngành giao thông vận tải quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ với đầy đủ 5 mục tiêu đó mới chính là một cơ quan chủ trì một việc. Việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 hay nhiều luật chỉ có thể thực hiện khi yêu cầu đó xuất phát từ đòi hỏi nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành giao thông vận tải để thực hiện tốt hơn 1 hay 2 trong 5 mục tiêu trên hay nói cách khác, khi chính ngành giao thông vận tải thấy cần thiết đưa những chính sách về an toàn giao thông thành một luật riêng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính ngành giao thông trong việc thực hiện mục tiêu an toàn giao thông.

Đại biểu nhấn mạnh: “Việc tách chính sách về quy tắc giao thông và người tham gia giao thông trong Luật Giao thông đường bộ chỉ với mục đích chuyển một phần công tác quản lý nhà nước mà ngành giao thông đang thực hiện ổn định, thống nhất sang cho ngành khác chính là trái với tinh thần Nghị quyết 18”.

Từ 2 lý do trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật Giao thông đường bộ nên sửa đổi theo hướng tiếp tục giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì chính trong quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, bao gồm cả an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, phân công trách nhiệm các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trong giao thông đường bộ, phù hợp với chức năng và chuyên môn, tránh chồng chéo, tránh trùng lặp.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 nội dung: Có nên tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 dự án Luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ? Có nên chuyển thẩm quyền quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an”.

Theo đại biểu, trong trường hợp nếu Quốc hội xét thấy cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ thành hai dự án luật riêng biệt và cùng với đó là chuyển thẩm quyền quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì cần phải làm rõ về phương án xử lý đối với bộ máy quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; về lực lượng thanh tra giao thông trong trường hợp lực lượng này có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ…

Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho biết, “sau khi nghiên cứu hồ sơ các dự án luật cho thấy, nội dung này đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và đặc biệt, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia và cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp thì Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý. Vì vậy, tôi ủng hộ sự lựa chọn của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ, vì tôi thấy, việc này có lợi cho nhân dân và cho đất nước”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, vấn đề tách hay không tách về mặt lý luận khoa học cũng như thực tiễn là chuyện hết sức bình thường. Việc đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật không phụ thuộc với chuyện tách hay không tách. “Tôi làm hai khóa Quốc hội, tôi thấy là chuyện tách luật cũng là chuyện hết sức bình thường, Quốc hội thường xuyên làm. Trước đây, Luật Đầu tư rồi bây giờ có Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công...” -  đại biểu phát biểu.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, chiều nay, khi cho ý kiến về Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ sẽ giải trình kỹ hơn về việc tách ra làm hai dự án luật.

Chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, đây là vấn đề lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội sau khi thảo luận về dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chiều nay./.

Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra