Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam và Hội báo toàn quốc được tổ chức thành công
Theo Báo cáo công tác thi đua, khen thưởng năm 2021, trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm 2021-2026. Hội đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam. Với phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước, nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, một số hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam từ đầu năm đã chuẩn bị tốt như Hội báo toàn quốc năm 2021 phải tạm dừng, nhiều Hội Nhà báo tỉnh cũng không tổ chức được Hội Báo Xuân. Các sự kiện lớn như: Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2021); Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Hội năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 không tổ chức được mà chỉ tập trung vào đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong hoàn cảnh đó, lãnh đạo Hội đã kịp thời chỉ đạo các bộ phận chức năng và các Hội địa phương linh hoạt thích ứng triển khai nhiều hoạt động theo hình thức trực tuyến, đảm bảo duy trì và hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác Hội, như: Hội nghị góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội, giới thiệu nhân sự tham gia bầu Ban Chấp hành và bầu đại biểu đi dự Đại hội khóa XI Hội Nhà báo Việt Nam, công tác chuẩn bị cho Đại hội đảm bảo an ninh, an toàn, thích ứng linh hoạt.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, tạo động lực mới trong công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới, tôn vinh các tổ chức Hội, những người làm báo trên tuyến đầu chống dịch, Thường trực Hội có Hướng dẫn số 300/HD-HNBVN, ngày 23/11/2021 về việc tổng kết và bình xét thi đua, khen thưởng năm 2021, công tác thi đua khen thưởng có bước chuyển biến đáng ghi nhận, việc triển khai cho các cấp Hội kịp thời, công tác thi đua nền nếp và thực chất hơn.
Nhiều cấp Hội đã chủ động phát động và tổ chức các phong trào thi đua vừa về chuyên môn nghiệp vụ làm báo vừa về các hoạt động vì cộng đồng, qua đó đã xuất hiện nhiều hội viên, nhà báo không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, xung phong trên tuyến đầu chống dịch, tích cực tuyên truyền thông tin các chủ trương, chính sách, giải pháp chống dịch của Đảng, Nhà nước, địa phương, kịp thời phát hiện, biểu dương rất nhiều các tấm gương vì nhân dân phục vụ của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, góp phần quan trọng trong việc tạo niềm tin của nhân dân trong thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lây lan của dịch Covid-19.
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cũng được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng. Hội là nơi “đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo”; Đảng Đoàn, Ban Thường vụ, Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp Hội luôn chú trọng công tác triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng như: Hội nghị quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội. Để giáo dục truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, các cấp Hội thường xuyên quan tâm tổ chức các chuyến “về nguồn”, thăm nhà trưng bày hiện vật và Bia kỷ niệm nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam; xây dựng bia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại tỉnh Thái Nguyên.
Tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến
Các mặt công tác khác cũng được thực hiện khá toàn diện như: Công tác nghiệp vụ, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ người làm báo; công tác kiểm tra, bảo vệquyền, lợi ích hợp pháp của hội viên và xử lý các trường hợp vi phạm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; các hoạt động văn hóa, thể thao, từ thiện và công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình.
Đáng chú ý, công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến luôn được Hội đồng Thi đua khen thưởng các cấp Hội quan tâm và được các cơ quan báo chí của Hội đưa tin kịp thời, đặc biệt là các hội viên, nhà báo dấn thân vào các vùng dịch, các khu cách ly, vùng sâu, vùng xa thực hiện các tác phẩm báo chí sống động, làm lay động lòng người. Biểu dương tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua, những tập thể xuất sắc, tiêu biểu được các cấp Hội tôn vinh như: Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Vĩnh Long, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, An Giang, Hà Giang; các Liên Chi hội Nhà báo: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan Trung ương Hội, Báo Quân đội nhân dân, Bộ Công An; các Chi hội: Báo Đầu tư, Báo Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Truyền nhiễm Việt Nam…
Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng TĐ-KT Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp Hội bám sát tiêu chuẩn và lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo để xét khen thưởng, từ đó xét đề nghị khen thưởng đúng người, đúng việc, nắm vững phương pháp bình xét.
Các cấp Hội chuẩn bị hồ sơ TĐ-KT gửi về Hội Nhà báo Việt Nam hầu hết đảm bảo thời gian và đúng quy định. Công tác bình xét danh hiệu TĐ-KT được các cấp Hội thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, các danh hiệu Cờ thi đua và Bằng khen đều thông qua Cụm thi đua và có biên bản của Cụm và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
|
|
Không khí thi đua sôi nổi từ các cấp Hội để thiết thực kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: T.A |
Tặng Cờ Thi đua 8 tập thể Hội, Bằng khen cho 15 tập thể và 17 cá nhân
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng, Hội đồng Thi đua khen thưởng các cấp Hội đã làm tốt vai trò tham mưu cho Lãnh đạo Hội trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thi đua, khen thưởng. Quy chế TĐ-KT sửa đổi, bổ sung năm 2018 giúp các cấp Hội tránh được tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất; tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, hội viên về vai trò, động lực của công tác TĐ-KT. Ngày 22/4/2022, Hội đồng TĐ-KT đã họp, thảo luận sôi nổi, khách quan và bình xét TĐ-KT cho các tập thể và cá nhân thuộc các cấp Hội, quyết định trao tặng Cờ Thi đua cho 8 tập thể Hội, Bằng khen cho 15 tập thể và 17 cá nhân, đã có thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và hoạt động Hội năm 2021.
Các Cụm thi đua phát huy tốt vai trò trong việc tổ chức ký kết giao ước thi đua, phát động các phong trào thi đua, kiểm tra chéo, chấm điểm thi đua và tổng kết và bình xét thi đua, khen thưởng.
Tuy nhiên, báo cáo của Hội Nhà báo cũng thẳng thắn chỉ ra, ngoài yếu tố khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19, về chủ quan việc triển khai các hoạt động thi đua và phong trào thi đua ở một số cấp Hội còn chậm, còn mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng một số đơn vị khi bình xét Thi đua khen thưởng chưa tuân thủ theo Quy định. Việc khen thưởng chủ yếu vẫn còn theo niên hạn, chưa chú trọng khen thưởng đột xuất. Mặt khác, Quy chế Thi đua khen thưởng sửa đổi, bổ sung năm 2018 còn có một số điểm bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn dẫn đến tỷ lệ được xét tặng giảm theo Quy chế năm 2018 việc bình xét gặp khó khăn, đặc biệt là ở các Cụm Thi đua...
Bám sát 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022
Phát huy kết quả đạt được trong năm 2021, tiếp tục động viên cán bộ, hội viên hăng hái thi đua thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng Đoàn, Ban Thường vụ, Hội đồng Thi đua, khen thưởng Hội Nhà báo Việt Nam phát động phong trào thi đua với phương châm của Đại hội XI "Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển". Theo đó, nội dung của phong trào thi đua năm 2022 cần tập trung bám sát và phục vụ có hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, triển khai Chỉ thị 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, qua đó nâng cao hơn nữa nhận thức của mỗi cán bô, hội viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác TĐ-KT trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội và chất lượng các cấp Hội;
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền điển hình tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả, bài học kinh nghiệm trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam;
Thứ ba, tổ chức lấy ý kiến các cấp Hội về Quy chế thi đua khen thưởng trên tinh thần quán triệt những nguyên tắc của Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi), làm cơ sở tiếp tục sửa đổi, bổ sung Quy chế khen thưởng năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng khen thưởng, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, đúng quy định;
Thứ tư, kịp thời phát hiện, chủ động biểu dương và khen thưởng nhân tố điển hình là các tập thể các cấp hội, các cá nhân phóng viên, biên tập viên, người làm báo tạo sự lan tỏa tích cực trong đội ngũ những người làm báo;
Thứ năm, tại Hội nghị này, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương Hội phát động đợt thi đua rộng khắp trong tất cả các cấp Hội và kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên sôi nổi hưởng ứng, phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam. Trước mắt, thi đua lập thành tích thiết thực Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và các sự kiện lớn của đất nước. Thực hiện chương trình toàn khóa Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.