Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” hiện nay

Thứ sáu, 28/04/2023 08:00
(ThanhtraVietNam) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc đã được phát huy cao độ, qua đó đã góp phần quyết định vào thành công của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bài học về sức mạnh của tinh thần ĐĐK toàn dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc đã chuyển vào chiến trường hàng triệu tấn vật chất cùng hàng triệu thanh niên bổ sung cho lực lượng chiến đấu. Đó thực sự là một trong những biểu tượng rõ nét cho tình đoàn kết toàn dân tộc. Ở miền Nam, được sự chi viện của miền Bắc, cuộc đấu tranh chính trị của các tầng lớp Nhân dân diễn ra ở khắp các thành phố. Quân dân trên khắp chiến trường miền Nam anh dũng đấu tranh, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (tháng 1/1973), rút hết quân về nước, mở ra bước ngoặt mới cho kháng chiến. Đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, Bộ Chính trị đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, động viên mọi nguồn lực ở cả hai miền tiến hành tổng công kích giành toàn thắng. Thực hiện quyết tâm Bộ Chính trị, quân và dân ta đã tích cực chiến đấu, mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đến là chiến dịch Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26/4 - 30/4/1975). Chỉ trong 55 ngày đêm, quân dân ta đã đập tan bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng miền Nam, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: cả nước độc lập, thống nhất đi lên CNXH. Đó cũng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh vô địch của khối ĐĐK toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Trong suốt 48 năm qua, tinh thần ĐĐK toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không ngừng được phát huy, đó là nguồn lực hun đúc ý chí quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn Ðảng, toàn dân ta. Nhờ đó, đất nước đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng vươn lên “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (1) . Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là “quốc nạn” tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, ngày càng tinh vi gây bức xúc dư luận, mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng và hệ thống chính trị, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Chính vì vậy, Đảng ta luôn xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài; đồng thời, phát huy sức mạnh khối ĐĐK toàn dân tộc, đề cao trách nhiệm của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong cuộc chiến khó khăn, quyết liệt này.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng được coi trọng. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Các ngành Thanh tra, Kiểm toán có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; đã xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Từ năm 2012 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỉ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội (2). Năm 2023, ngành Thanh tra đã kiểm tra tại 16.379 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch và đã phát hiện 155 đơn vị vi phạm; kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập tại 4.784 cơ quan, tổ chức, đơn vị, tiến hành 7.296 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 373 vụ việc vi phạm, 611 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 167 tỷ đồng (3)…

Có thể nói, những năm qua công tác phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm. Qua đó, đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của Nhân dân ta, dân tộc ta. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Trong thời gian tới, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” hiện nay cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, lối sống xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phải quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; về sự nguy hại của tham nhũng, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả của cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức đủ sống để “không cần tham nhũng”.

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực từng bước bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” tạo ra một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Bốn là, nâng cao hiệu quả chế tài răn đe, trừng trị nghiêm khắc, xử lý triệt để đối với hành vi tham nhũng; kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập gắn với tăng cường công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng nhằm tạo ra một cơ chế chặt chẽ để cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đội ngũ cấp lãnh đạo, quản lý “không dám tham nhũng”.

Năm là, phát động và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, khen thưởng các cá nhân, đơn vị điển hình thực hiện xuất sắc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; có chính sách để bảo vệ, khuyến khích những người dũng cảm phát giác, đấu tranh chống tham nhũng và chế tài xử lý đối với các đơn vị không phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Sáu là, tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối ĐĐK toàn dân tộc; tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Bảy là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế; tích cực góp phần phát hiện, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tám là, kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm, hành động sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhằm lợi dụng tình trạng tham nhũng, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ khối ĐĐK toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Có thể nói, bài học về phát huy sức mạnh ĐĐK toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng hiện nay. Phòng, chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm", đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.  Đặc biệt, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để xây dựng, phát huy khối ĐĐK toàn dân tạo sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trong cuộc chiến gay go, quyết liệt này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQGST, HN, 2021, tr.25;

(2) Nguyễn Phú Trọng, Bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 30/6/2022;

(3) Thanh tra Chính phủ, Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ngành Thanh tra, ngày 06/01/2023.

Thiếu tá, ThS. Phạm Văn Phong
Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu 1
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra