Dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam:

Phát triển nhận thức lý luận của Đảng và thành tựu qua 40 năm đổi mới

Thứ tư, 16/04/2025 09:00
(ThanhtraVietNam) - Dự thảo Báo cáo tổng kết đã phát triển nhận thức lý luận của Đảng và thành tựu qua 40 năm đổi mới; đồng thời rút ra nhiều bài học kinh nghiệm mang tầm lý luận về đường lối đổi mới.
leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề 1 tại Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa, TTXVN 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy khi truyền tải Chuyên đề thứ nhất tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được tổ chức sáng ngày 16/4.

Bổ sung đánh giá nhận định về cục diện thế giới

Cụ thể, dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam (gọi tắt là dự thảo Báo cáo) đã bổ sung đánh giá nhận định về cục diện thế giới.

Theo đó, cục diện thế giới thay đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc; tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, khu vực đang có nhiều thay đổi.

Hầu hết các nước trên thế giới đều cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa nền quản trị quốc gia, thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực và thế giới.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu trung tâm. Ảnh: Phương Hoa, TTXVN

Phát triển nhận thức lý luận của Đảng và thành tựu qua 40 năm đổi mới

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, dự thảo Báo cáo làm rõ hơn sự phát triển nhận thức lý luận đột phá về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bổ sung nội dung về những nhận thức mới trong ứng dụng các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Dự thảo Báo cáo khẳng định rõ: Trải qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; độc lập, chủ quyền quốc gia và môi trường hòa bình được giữ vững, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế ngày càng phát triển, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.

Từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng dưới 1,9% năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN, thứ 32 trên thế giới; GDP bình quân đầu người năm 2025 gấp gần 25 lần sau ba thập kỷ; tuổi thọ trung bình tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên khoảng 74,7 tuổi năm 2025.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam thuộc nhóm nước trung bình cao của thế giới. Chỉ số hạnh phúc theo xếp hạng của Liên hợp quốc năm 2025 tăng 8 bậc so với năm 2024, lên thứ hạng 46/143 quốc gia (năm 2020 xếp thứ 83).

Tuy nhiên, đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra đã từng bước được khắc phục, song có mặt còn diễn biến phức tạp hơn. Nguy cơ bao trùm là chậm đổi mới tư duy phát triển, không theo kịp các xu thế phát triển của thế giới, chậm xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới. Nguy cơ tụt hậu, nhất là tụt hậu về công nghệ và rơi vào bẫy thu nhập trung bình rất đáng lo ngại.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ. Ảnh: K. Dung

05 bài học kinh nghiệm mang tầm lý luận về đường lối đổi mới

Từ thực tiễn 40 năm đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, dự thảo Báo cáo rút ra được 05 bài học kinh nghiệm mang tầm lý luận về đường lối đổi mới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ 05 bài học đó là:

Thứ nhất, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng.

Thứ hai, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, quán triệt sâu sắc và thực hành triệt để quan điểm Dân là gốc. Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Thứ tư, bám sát thực tiễn, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo sát, đúng tình hình, không ngừng đổi mới tư duy, nhất là tư duy chiến lược.

Thứ năm, chủ động ngăn ngừa, phòng, chống bệnh chủ quan duy ý chí, giáo điều, cơ hội, bảo thủ.

Có thể nói, sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã từng bước hình thành và hoàn thiện được lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam. Đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với văn hóa hơn 4 ngàn năm lịch sử hào hùng của Việt Nam được vận dụng sáng tạo trong điều kiện Việt Nam và bối cảnh thế giới. Đây là sự vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể Việt Nam thời kỳ mới.

Đó là sự phát triển sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phù hợp với các quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn đất nước và xu thế thời đại; kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa, giá trị văn hóa và các thành tựu phát triển của nhân loại.

K. Dung - Huy Trần

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra