Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đến giờ phút này chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Để có được kết quả này, Việt Nam rất chủ động và thực hiện những công việc cần thiết từ rất sớm. Trong đó, bắt đầu phòng chống dịch từ giữa tháng 12, đặc biệt thực hiện khai báo y tế bắt buộc từ 0 giờ ngày 25/01/2020, tức ngay sau giao thừa - là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện biện pháp này. Những giải pháp sớm hơn, cao hơn khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới (WHO) là một việc hết sức đúng đắn.
Đối với dịch COVID-19 lần này Việt Nam cũng áp dụng kinh nghiệm của thế giới cũng như kinh nghiệm của chính mình trong việc phòng, chống các dịch bệnh trước đây với phương châm: Phải ngăn chặn triệt để; phát hiện và phát hiện sớm nhất; cách ly và cách ly ngay lập tức; phải khoanh vùng và phải khoanh thật gọn; dập tắt và dập tắt triệt để. Kết quả cho thấy, Việt Nam đã làm rất tốt vấn đề này, cụ thể, tại Sơn Lôi sang ngày thứ 13 không có thêm người bị COVID-19.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam cũng xác định, dịch bệnh là vấn đề toàn cầu nên phải có sự tham gia và sự hợp tác quốc tế. Do đó, Việt Nam làm các biện pháp mạnh, sớm và chủ động nhưng luôn trao đổi, thuyết phục tìm được sự đồng thuận quốc tế. Đặc biệt, chúng ta đã xử lý tốt vấn đề này với Trung Quốc, Hàn Quốc. Dù tình hình bây giờ có thể thay đổi nhưng 5 phương châm của Việt Nam không thay đổi, phải kiên trì.
Trên thực tế, Bộ Y tế đã phối hợp rất tốt với Bộ Quốc phòng. Đây có thể nói là lần đầu tiên, Quân đội nhân dân Việt Nam ra quân ở quy mô toàn quốc để tham gia chống dịch. Đây cũng có thể coi là một đợt diễn tập cho các tình huống ứng phó với dịch bệnh nói riêng và các vấn đề, sự cố về an ninh phi truyền thống nói chung.
Phó Thủ tướng vui mừng bày tỏ, đến ngày hôm nay, với tất cả sự khiêm tốn và cầu thị, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Mặc dù là quốc gia có biên giới đất liền với Trung Quốc; giao lưu đường không, đường bộ, đường thủy với Trung Quốc; số người không chỉ khách du lịch mà qua lại làm ăn với Trung Quốc rất đông. Có thể nói là một nước có nguy cơ cao nhất lây nhiễm nhưng đến thời điểm hiện tại Việt Nam chỉ có 16 ca dương tính với COVID-19. Kết quả, Việt Nam đã kết hợp cả về trình độ chuyên môn và nhiều yếu tố khác để chữa trị thành công tất cả các trường hợp, trong đó có nhiều trường hợp rất phức tạp, người tuổi cao, tiểu đường, 3 tháng tuổi…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì Hội nghị (ảnh: Minh Nguyệt)
Không được một phút nào lơ là
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã có bài học là điều trị ngay ở tuyến dưới và hỗ trợ bằng công nghệ chứ không tập trung vào một điểm. Điều này càng khẳng định Việt Nam có những bước đi theo tiêu chuẩn chung nhưng cũng có cách đi riêng của mình.
“Nếu Thủ tướng nói chống dịch như chống giặc thì tôi cũng xin ví cuộc chống dịch này như một cuộc chiến, đến giờ phút này chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn đầu tiên nhưng tình hình sẽ còn thay đổi rất khó lường, quan trọng là chúng ta có lòng tin, bám sát nguyên tắc đã chỉ đạo, kiên định, kiên trì, không từ bỏ nguyên tắc căn bản của chống dịch, không được một phút nào lơ là”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Mặc dù, rất mừng vì người dân đã hiểu biết hơn về nguy cơ lây nhiễm, cơ chế lây nhiễm và tự phòng cho mình nhưng Phó Thủ tướng cũng lo bởi đã có biểu hiện chủ quan, lơ là. Do đó, ông cảnh cáo tất cả các cấp chính quyền địa phương không được lơ là, không lo sợ thái quá, có hành vi không cần thiết, ví dụ bước vào môi trường hoàn toàn an toàn những vẫn đeo khẩu trang. Nhưng ra chỗ công cộng đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở thời điểm hiện nay vẫn cần có những giải pháp tự phòng cho mình và giúp mọi người phòng là đeo khẩu trang, không nhất thiết phải khẩu trang y tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (ảnh: Minh Nguyệt)
Mềm dẻo nhưng kiên quyết trong cách ly
Tại Hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm soát thật chặt chẽ những người đến từ vùng dịch. Việt Nam phải cách ly – đó là biện pháp tốt nhất mặc dù có sự bất tiện cho người bị cách ly.
“Chúng ta mềm dẻo nhưng kiên quyết. Việt Nam giao cho bên Quốc phòng chủ động triển khai cách ly, đề nghị các tỉnh hỗ trợ. Không được để lây nhiễm trong khu vực cách ly. Chúng tôi rất hoan nghênh Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đã phản ứng rất nhanh liên quan đến việc xử lý các chuyến máy bay đến từ Daegu của Hàn Quốc”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Ngoài ra, ông khẳng định, công tác truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ qua cơ quan báo chí mà qua các tổ chức đoàn thể, mạng xã hội… Một khi người dân đã hiểu về cơ chế lây nhiễm, về khả năng phòng chống, khả năng chữa trị thì người dân sẽ không bị lo thái quá và ngược lại cũng không chủ quan. Mặt khác, công tác tuyên truyền để người dân tham gia cùng với chính quyền phát hiện, cách ly, theo dõi, quản lý những người có nguy cơ lây nhiễm theo các vòng từ vòng 1, vòng 2, vòng 3, vòng 4.
Bởi chống dịch trong thời đại công nghệ thông tin thì thông tin phải minh bạch. Về vấn đề này, Việt Nam đã chủ động ngay từ đầu, làm việc với các nhà mạng, các cơ quan báo chí, công ty công nghệ thông tin để đưa thông tin ngay, thật, kịp thời, minh bạch nhất có thể trên tất cả các loại hình, không chỉ có báo chí mà cả mạng xã hội.
Vừa học vừa làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm cũng là một yêu cầu được Phó Thủ tướng đưa ra. Chúng ta phải đúc kết ngay thành những bài học và phổ biến ngay; thành những kịch bản, phương án, cơ chế điều hành khi có dịch tương tự trong tương lai – đây là nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Đặc biệt, phải có biện pháp dứt khoát, mạnh để có thể ngắt dịch sớm./.
Minh Nguyệt