Quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng - Nhìn từ Tuyên ngôn độc lập

Thứ sáu, 01/09/2023 08:00
(ThanhtraVietNam) - Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuy giành được độc lập nhưng đất nước vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều mối nguy. Tình hình trong nước và quốc tế đầy phức tạp. Trong hoàn cảnh đó, Tuyên ngôn độc lập không chỉ nhằm mục đích công bố độc lập mà còn để khẳng định với thế giới ý chí chiến đấu của cả dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do quý giá vô ngần vừa giành được.

Cách đây 78 năm, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Ngày 02/9/1945 đã trở thành mốc son trong lịch sử dân tộc, được xác lập là ngày Quốc khánh và bản Tuyên ngôn mở nước với quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng vẫn còn vẹn nguyên giá trị đến mai sau.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập. (Ảnh đồ họa: Quang Huy) 

Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 30/8. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký: Với bản Tuyên ngôn độc lập, “Người đang thay mặt cho cả dân tộc hái quả của tám mươi năm đấu tranh. Bữa đó chúng tôi đã nhìn thấy niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người” (1). Tuy nhiên, “cuộc đấu tranh chưa phải đã hoàn toàn kết thúc, người Trung Quốc đang tới và người Pháp đã ở sẵn đây” (2). Trong vòng vây các thế lực thù địch, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết thấu tình, đạt lý những vấn đề phức tạp mà bối cảnh quốc tế, trong nước đặt ra, từ đó khẳng định quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của dân tộc.

Bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với thế giới về nền độc lập của Việt Nam và quyết tâm giữ vững nền tự do độc lập ấy

Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lập luận về độc lập, tự do của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn cách mở đầu bằng trích dẫn trong hai bản Tuyên ngôn độc lập, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Mỹ và Pháp từ thế kỷ XVIII. Người khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc ta bằng chính “lời bất hủ” của tổ tiên người Mỹ, người Pháp từng làm vẻ vang cho hai dân tộc ấy. Cách viết như thế vừa khéo léo vừa kiên quyết. Khéo léo vì tỏ ra rất trân trọng những chân lý của người Mỹ, người Pháp. Kiên quyết vì nhắc nhở họ đừng có phản bội tổ tiên mình, đừng có làm vấy bẩn lên lá cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng vĩ đại của nước Pháp, nước Mỹ nếu nhất định tiến quân xâm lược Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh không trích dẫn thụ động mà phát triển lý tưởng truyền thống của thế kỷ XVIII thành lý tưởng thời đại mới. Được nói đến khiêm tốn dưới hình thức “suy rộng ra” nhưng đó là tư tưởng có ý nghĩa khác biệt lớn. Nhà sử học Nhật Bản, Giáo sư Singô Sibata đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền của dân tộc” (3).

Lúc này, kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất đe dọa nền độc lập dân tộc là thực dân Pháp. Muốn xác lập cơ sở pháp lý của cuộc kháng chiến, phải nêu cao chính nghĩa của ta và đập tan những luận điệu xảo trá của thực dân Pháp nhằm “hợp pháp hóa” cuộc xâm lược trước dư luận quốc tế. Bản Tuyên ngôn đã giải quyết yêu cầu này bằng hệ thống lập luận chặt chẽ, đanh thép.

Về quan hệ của Việt Nam với Đồng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm tranh thủ sự ủng hộ và ràng buộc Đồng minh bằng thái độ mềm mỏng, hiểu biết trên nguyên tắc trước sau như một về độc lập, tự do của dân tộc - cũng là mục đích chính nghĩa mà Đồng minh giương cao.

Có thể nói, hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc bén đã giải quyết dứt khoát quan hệ với Pháp đồng thời khéo léo ràng buộc thái độ của Đồng minh. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến kết luận quan trọng: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Nền độc lập của Việt Nam dứt khoát không phải là “chiến lợi phẩm” của quân Đồng minh trong cuộc chiến tranh chống phát xít, cũng không phải là “tặng phẩm” hào phóng của các cường quốc chiến thắng trao lại mà là thành quả đấu tranh anh hùng của một dân tộc đã ý thức được quyền dân tộc tự quyết và nắm vững trong tay ngọn cờ chính nghĩa của cuộc chiến đấu chống phát xít.

Sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và Nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”. Lời lãnh tụ phát biểu trên lễ đài Độc lập “thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước” (4) cũng chính là lời non nước ý thức rất rõ về thách thức đang chờ và vì vậy, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát, có thể rất to lớn để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng lớn lao nhất vừa giành được. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về giây phút thiêng liêng này: “Độc lập, tự do đã đến với mỗi người dân. Mỗi người đã thấy được giá trị thiêng liêng của nó, thấy trách nhiệm phải bảo vệ. Vô vàn khó khăn còn ở trước mắt (5).

Từ Tuyên ngôn độc lập, toàn thể dân tộc Việt Nam bắt đầu cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tiếp nối, kế thừa truyền thống anh dũng đấu tranh cho độc lập, tự do của ông cha ta suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Để có bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với thế giới ngày 02/9/1945, toàn thể dân tộc ta đã phải chiến đấu kiên cường suốt 87 năm trời, kể từ khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công đánh chiếm bán đảo Sơn Trà năm 1858. Đó là kết quả của bao nhiêu “máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên những máy chém, trên chiến trường” (6). Cuộc chiến đấu gian khổ còn phải lâu dài, từ Tuyên ngôn độc lập, lịch sử dân tộc Việt Nam lại bắt đầu một trang mới, trang sử đấu tranh đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền độc lập, tự do.

Sau khi tuyên bố thành lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước ngay vào cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự tồn tại của mình. Theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc muôn người như một, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đoàn kết một lòng chống Pháp. Suốt chín năm (1946-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng tập thể Trung ương Đảng sáng suốt phân tích tình hình, kịp thời đề ra đường lối kháng chiến kiến quốc đúng đắn dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. Chiến thắng oanh liệt này đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp và can thiệp Mỹ gây ra, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng nhưng ở miền Nam đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, biến nửa nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, chuẩn bị gây lại chiến tranh. Trước tình hình mới, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lại đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Dưới sự lãnh đạo và cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc chiến đấu anh hùng, đầy gian khổ và hy sinh của Nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình thế giới. Điều đó trước hết là bởi tính chất yêu nước, sáng ngời chính nghĩa, ý nghĩa quốc tế cao cả của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta, đồng thời là sự chỉ đạo sáng suốt, khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, một nhân tố mà Mỹ không lường hết được khi lao vào cuộc đối đầu lịch sử ở Việt Nam. Đại thắng Xuân năm 1975 đã tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất và CNXH. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, thống nhất đất nước cùng khát vọng được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc của Nhân dân đã trở thành hiện thực trên đất nước Việt Nam bất khuất, kiên cường. Từ sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo Nhân dân “đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (7). Trong quá trình ấy, bộn bề nhiều công việc rất mới mẻ mang tầm thời đại nhưng chắc chắn mọi đổi mới đều phải xây dựng trên nền tảng lịch sử dân tộc - nền tảng của những giá trị trân quý từ quá khứ.

Chú thích:

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, tr154;

(2) Archimedes  L.A.Patti, Tại sao Việt Nam?, Nxb Đà Nẵng, tr443;

(3) Thiếu tá TS. Hà Sơn Thái, “Tuyên ngôn Độc lập, văn kiện chính trị lớn, áng văn chính luận bất hủ” Website báo Đảng Cộng sản Việt Nam http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tuyen-ngon-doc-lap--van-kien-lich-su-ang-van-bat-hu-495822.html ngày 4/9/2018;

(4) Trích thơ “Sáng tháng Năm”, Tố Hữu;

(5) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, nxb Quân đội Nhân dân, tr157;

(6) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học 1970, tr.110;

(7) Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Thu Hằng
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra