Ngày 14/4/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án). Cùng với việc sắp xếp lại các ĐVHC cấp tỉnh, Đề án còn đề xuất phương án tổ chức lại ĐVHC cấp xã một cách sâu rộng.
Dựa trên định hướng của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Chính phủ đã nghiên cứu và đề xuất các nguyên tắc tổ chức sắp xếp, tổ chức lại các ĐVHC cấp xã hiện nay thành các ĐVHC cấp xã mới theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện). Theo đó, sẽ hình thành các ĐVHC cấp xã mới gồm xã, phường và đặc khu, và không còn loại hình ĐVHC thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn.
Sắp xếp và tổ chức lại ĐVHC cấp xã
Mục tiêu của việc sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã là để chính quyền địa phương cấp xã quản lý hiệu quả địa bàn, nắm chắc tình hình, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt nhất. Đề án quy định rõ, trường hợp sắp xếp phường với các ĐVHC cùng cấp thì ĐVHC sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì ĐVHC mới sau sắp xếp là xã.
Một điểm đáng chú ý là việc chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành ĐVHC cấp xã có tên gọi là đặc khu. Theo đó, dự kiến hình thành 11 đặc khu thuộc tỉnh từ 11 huyện đảo hiện có (Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo). Riêng đối với thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, sau khi tách xã Thổ Châu thành một huyện riêng, nghiên cứu thành lập 02 đặc khu: Phú Quốc và Thổ Châu.
Đề án cũng quy định rằng, trường hợp sắp xếp ĐVHC cấp xã làm thay đổi địa giới ĐVHC cấp huyện thì không phải xem xét điều kiện, tiêu chuẩn và không phải thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh địa giới của ĐVHC cấp huyện mà ĐVHC cấp xã đó trực thuộc. Đồng thời, không bắt buộc sắp xếp đối với các ĐVHC cấp xã có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối với các ĐVHC liền kề hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Sau sắp xếp, tổng số lượng ĐVHC xã, phường dự kiến giảm khoảng 60 - 70% so với số lượng hiện nay trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điều này cần đảm bảo tương quan hợp lý, tránh tạo sự giãn cách, chênh lệch lớn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số giữa các xã, phường mới.
    |
 |
Toàn cảnh phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. (Ảnh: chinhphu.vn) |
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Theo Đề án, mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ chỉ còn 02 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu). ĐVHC cấp huyện và thị trấn sẽ bị bãi bỏ.
Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh cơ bản giữ nguyên như hiện nay, bao gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND). HĐND tỉnh sẽ thành lập 03 Ban (Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội), và có thể thêm Ban Dân tộc đối với tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. HĐND thành phố trực thuộc trung ương thành lập 04 Ban (Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Đô thị) theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.
Chính quyền địa phương cấp xã cũng bao gồm HĐND và UBND. HĐND cấp xã thành lập 02 Ban (Pháp chế và Kinh tế - Xã hội). Do bỏ cấp huyện và chuyển toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện về cho cấp xã, UBND cấp xã dự kiến sẽ tổ chức tối đa 04 Phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu).
Đối với các ĐVHC cấp xã giữ nguyên trạng, có thể không tổ chức Phòng chuyên môn, và Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm 01 Phó Chủ tịch UBND và một số công chức. Đối với các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp từ 02 ĐVHC trở lên, định hướng tổ chức tối đa 04 Phòng chuyên môn và tương đương. Các Phòng này dự kiến bao gồm: Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Kinh tế (hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị), Phòng Văn hóa - Xã hội, và Trung tâm phục vụ hành chính công.
Vấn đề nhân sự và biên chế
Về số lượng cán bộ, công chức, viên chức, Đề án quy định tối đa không vượt quá tổng số hiện có của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế trong 05 năm. Tương tự, ở cấp xã, trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cấp xã hiện có để bố trí cho các ĐVHC cấp xã mới, sau đó sẽ rà soát và tinh giản biên chế trong 05 năm.
Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương (dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/01 cấp xã), và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số lượng cụ thể cho từng ĐVHC cấp xã.
Đặc biệt, Đề án kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Chính quyền địa phương có thể xem xét, sắp xếp những người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chính sách nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà không bố trí công tác theo quy định.
Việc chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với việc tăng cường quyền hạn và trách nhiệm cho cấp xã được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, phát huy dân chủ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ công.