Tăng cường truyền thông chính sách về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Thứ sáu, 10/05/2024 13:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những nội dung quan trọng được ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, sáng ngày 10/5, tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW.

Vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nhân

Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” theo hình thức trực tiếp kết hợp với 4.300 điểm cầu trực tuyến trên cả nước do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: vov. vn

Trên cơ sở Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (gọi tắt là Nghị quyết số 41-NQ/TW), ngày 09/5/2024, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW.

Chương trình hành động nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách đã được đề ra trong Nghị quyết số 41-NQ/TW; Thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW; tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp; Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 41-NQ/TW.

Qua đó thể hiện vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ, theo tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nhân, lấy doanh nhân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân đầu tư, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu trực tiếp. Ảnh: Trần Vương

Hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ, đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển

Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 32 - 38% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp đạt khoảng 10%.

Khoảng 65 - 70% chủ doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên; Khoảng 20 - 25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 30 - 35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ.

Có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Ông Hoàng Thái Dương, Phó Bí thư Đảng ủy Thanh tra Chính phủ chủ trì điểm cầu trực tuyến tại Trụ sở Thanh tra Chính phủ. Ảnh: K. Dung

Số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm và có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, 05 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu có một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước. Đồng thời, hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế.

Cần tiếp tục thể chế hóa và tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp

Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, trong thời gian tới, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể là: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, cống hiến.

Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới; Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; Tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức; Phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, trong thời gian tới, những vấn đề trong nước và khu vực đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi doanh nghiệp doanh nhân phát triển nhanh, bền vững và không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức.

Các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục tổ chức hội nghị quán triệt để nắm vững nội dung cốt lõi của Nghị quyết 41-NQ/TW và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW.

Qua đó, đổi mới tư duy, thống nhất trong nhận thức, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị. Chú trọng tuyên truyền, làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách để mọi cán bộ, người dân tích cực tham gia thực hiện nghị quyết, đặc biệt là giúp doanh nhân Việt Nam tiếp tục nhận thức sâu sắc vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Phát triển nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng đạo đức doanh nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nêu cao trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân Việt Nam; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ doanh nhân và hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra./.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra