Tập trung kiểm toán tính đúng đắn phù hợp, đầy đủ, kịp thời của việc ban hành các văn bản hướng dẫn các luật

Thứ hai, 30/12/2024 13:00
(ThanhtraVietNam) - Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2025 của Kiểm toán nhà nước.
leftcenterrightdel
 Ủy viên Ban Chấp hàng Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. (Ảnh: KTNN)

Hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp

Năm 2024, hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng toàn diện bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp từ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT), tổ chức thực hiện kiểm toán đến kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật góp phần quan trọng vào việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.

KHKT năm 2024 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) được lập đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Quá trình xây dựng KHKT năm 2024 được chủ động, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan, đảm bảo tuân thủ pháp luật, minh bạch, tránh chồng chéo, trùng lắp với cơ quan thanh tra, kiểm tra theo đúng tinh thần Nghị quyết 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tiếp tục phương châm “gọn nhưng chất lượng”, phương án tổ chức kiểm toán năm 2024 được xây dựng lồng ghép hợp lý trong các cuộc kiểm toán nhằm giảm bớt đầu mối triển khai, giảm số lượng đoàn kiểm toán và tinh giản các thủ tục hành chính, giảm chi phí trong hoạt động kiểm toán, góp phần hạn chế tần suất kiểm toán tại các địa phương; cân đối nhân sự các đoàn kiểm toán ngay từ đầu năm theo nguyên tắc 01 kiểm toán viên tham gia không quá 02 đoàn kiểm toán trong năm (trừ trường hợp đặc biệt)...

Theo đó, KHKT năm 2024 thực hiện 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023, tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 34 bộ, cơ quan trung ương, đạt tỷ lệ 83% (34/41) số đầu mối; kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại 57 địa phương, đạt tỷ lệ 90% (57/63) số đầu mối, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động đạt tỷ lệ 26% tổng số nhiệm vụ kiểm toán (31/121), phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị. Nguồn ảnh: KTNN

KHKT năm 2024 tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và chất lượng kiểm toán; bám sát Chiến lược phát triển KTNN, đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN các cấp phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán NSNN, kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, UBTVQH. KHKT năm 2024 đồng thời tập trung kiểm toán một số dự án quan trọng quốc gia như dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1...

Ngoài nâng cao chất lượng xây dựng KHKT năm, KTNN cũng đã tập trung nâng cao chất lượng lập KHKT của cuộc kiểm toán thông qua ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong khảo sát, thu thập, phân tích thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán phù hợp với từng đơn vị kiểm toán.

Chất lượng kiểm toán được đặt lên hàng đầu

Với quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán là nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán nhằm đạt được mục tiêu "chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa", Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, như ban hành Hướng dẫn xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2024, Chỉ thị về tổ chức thực hiện KHKT nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị năm 2024 và thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN; kế hoạch của Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Ban chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ...

Trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

leftcenterrightdel
 Ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Kiểm toán nhà nước. Nguồn ảnh: KTNN

KTNN cũng ban hành Kế hoạch kiểm soát chất lượng kiểm toán năm 2024: thực hiện giám sát toàn bộ 160 Đoàn kiểm toán, 04 cuộc kiểm soát trực tiếp, 04 cuộc kiểm soát việc tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng; hoàn thành Kế hoạch thanh tra năm 2024 với 10 cuộc thanh tra các đơn vị trực thuộc. Qua kiểm soát, thanh tra, nhìn chung các đoàn kiểm toán đã thực hiện cơ bản đầy đủ quy định về hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán, quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN; công tác kiểm soát của các đơn vị ngày càng được tăng cường; kỷ luật kỷ cương được giữ vững; chế độ báo cáo định kỳ được duy trì. Qua hoạt động thanh tra, kiểm soát đã giúp lãnh đạo KTNN, thủ trưởng các đơn vị trong quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán của các đoàn kiểm toán thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Kiểm toán nhà nước đã tiếp tục ban hành Chỉ thị số 1939/CT-KTNN ngày 27/11/2024 về việc khẩn trương hoàn thành kế hoạch công tác năm 2024 và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN trong thời gian tới. Theo đó, Tổng kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn Ngành phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ trong Kế hoạch công tác năm 2024 và năm 2025 với phương châm “An toàn - Uy tín”. Tiếp tục quán triệt và yêu cầu toàn bộ công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước.

leftcenterrightdel
 Ủy viên Ban Chấp hàng Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trao Cờ thi đua cho KTNN đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước Khối thi đua các bộ, ngành nội chính Trung ương. (Ảnh: KTNN)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hàng Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả nổi bật, toàn diện của KTNN trong năm 2024. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, năm 2024, KTNN đã có nhiều đổi mới, để đáp ứng với tình hình mới. Kết quả công tác năm 2024 của KTNN đã góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cung cấp nhiều thông tin cho Quốc hội trong lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Những kết quả nổi bật trên các mặt công tác là minh chứng cho sự trưởng thành của KTNN qua 30 năm xây dựng và phát triển.

Nhấn mạnh năm 2025, nhiệm vụ đặt ra đối với KTNN nhiều và đầy thách thức, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đảng ủy, lãnh đạo KTNN và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của KTNN tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục có nhiều giải pháp, nhiều đổi mới để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra. 

Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, KTNN cần tập trung kiểm toán tính đúng đắn phù hợp, đầy đủ, kịp thời của việc ban hành các văn bản hướng dẫn các luật; việc tổ chức thực hiện pháp luật đặc biệt là các nội dung liên quan đến các cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền trong phân bổ, sử dụng nguồn lực và thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; việc thực hiện phòng chống lãng phí; việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy.

KTNN cũng cần tăng cường kiểm toán đánh giá cơ chế, chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chính sách có ảnh hưởng rộng, lớn đến đời sống kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán NSNN, quyết toán NSNN; tập trung kiểm toán để đánh giá đúng thực trạng bội chi, nợ công, rủi ro về cân đối ngân sách và kiến nghị các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính, ngân sách quốc gia; cung cấp kịp thời các thông tin phát hiện kiểm toán quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra