Một trong những di sản mà Hồ Chủ tịch để lại đó chính là đặt nền móng, vun đắp mối quan hệ Việt - Nga ngày càng gắn bó.
Năm 1923, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã đến quê hương cách mạng tháng Mười. Từ đó trở về sau, cùng với quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước đặt nền móng, vun đắp mối quan hệ Việt - Nga ngày càng gắn bó.
Tình cảm này không đơn thuần là hoạt động ngoại giao mà xuất phát từ tấm lòng chân thành, biết ơn sâu sắc đối với đất nước, Nhân dân Nga đã luôn ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần đối với Nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhắc đến một người bạn thủy chung, luôn sống trong tình cảm, ký ức của những người Nga và văn nghệ sĩ Nga nói riêng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc với văn nghệ sĩ tại Nga và đón tiếp, làm việc với các đoàn nhà văn, nhà báo, nhà thơ, họa sĩ, nhà quay phim, đạo diễn… đến Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Nga, không cần phiên dịch.
|
|
Bức tranh của họa sĩ Aleksei Petrovich Kuznetsov vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc trong khu vườn Phủ Chủ tịch năm 1960 |
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả các vai trò là chiến sĩ cộng sản quốc tế - lãnh tụ một đất nước đang kiên cường chống lại những thế lực thực dân đế quốc sừng sỏ - vị chủ nhà lịch thiệp, chân thành - đều hài hòa trong phong thái, một phong thái mang giá trị nhân loại vĩnh cửu khi Người mới ngoài 30 tuổi, vừa có mặt tại Liên Xô, đã được nhà thơ Nga O. Mandenxtam dự cảm: “Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới” (2).
Những văn nghệ sĩ Nga vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đều chung cảm nhận về một tâm hồn hết sức phong phú, một con người hoạt bát, giàu ước mơ, khiêm tốn, giản dị, làm cho người ta phải ngạc nhiên, thấy những điều phỏng đoán trước khi gặp Người không còn đúng nữa. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thường đi thẳng vào trái tim nên khi gặp Người, không phải cầu kỳ nghi lễ mà cốt nhất cần giữ sự tự nhiên, giản dị và linh hoạt.
Cách đây 70 năm, mùa xuân năm 1954, đạo diễn Roman Carmen cùng hai nhà quay phim của Xưởng phim tài liệu trung ương Moscow là ba công dân Nga đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trước khi bắt đầu chuyến đi, cả ba đã nghiên cứu một số sách báo và phim tư liệu nhưng hiểu biết về Việt Nam vẫn còn quá ít, vì thế việc được diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nhiều ý nghĩa.
Sau những phút đầu gặp gỡ, Roman Carmen đã bày tỏ mong muốn: “Chúng tôi có thể gặp đồng chí Hồ Chí Minh ngay được không?” (3). Ngày nào Roman Carmen cũng nhắc cố xin được gặp sớm phút nào tốt phút đó. Trong cuộc gặp đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nồng nhiệt nói về tình cảm yêu mến của Nhân dân Việt Nam đối với quê hương của Lênin.
Những người bạn Nga “lấy làm ngạc nhiên trước nghị lực mãnh liệt và sức chịu đựng của con người mảnh khảnh với nét mặt thanh thản ấy, trước tính tình đơn giản của Người, niềm vui sống tỏa ra và lôi cuốn mọi người xung quanh” (4).
Cùng với làm phim, Roman Carmen đã chụp nhiều ảnh trên đường công tác với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Bắc và kể lại với niềm tự hào: “Ở tuổi 64 của Chủ tịch, với chiếc gậy trúc, Người đã đi hàng ngàn kilomet trên mọi nẻo đường của đất nước mà không hề biết mệt. Thế đấy, những cảnh tôi đang chụp đã và sẽ mãi mãi đi vào lịch sử” (5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp văn nghệ sĩ Nga như đối với những người bạn thân thiết, không hề có sự cách biệt nghi thức ngoại giao. Tại Phủ Chủ tịch, nhà văn Ruf. Bersatxki đã thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện hoàn toàn bất ngờ từ cửa bên và không hề nghĩ tới việc ngồi vào vị trí dưới Quốc huy.
Người nhanh nhẹn bước tới chào hỏi, vui vẻ đưa tay hai tay như thể ôm lấy nhà văn. Đích thân Người cầm bình rót cà phê mời khách. Nhà văn thấy rõ nhất là cặp mắt “rực rỡ, tỏa sáng ngời ngời và truyền cảm hết cho anh. Chỉ có người nào yêu con người hơn hết mọi cái trên thế gian mới biết như Người nghe người khác nói” (6).
E.V.Kobelev từng là sinh viên Nga học tiếng Việt khóa đầu tiên ở Hà Nội, phóng viên hãng Thông tấn TASS ở Việt Nam, cán bộ Ban Quốc tế Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chuyên trách Việt Nam, một nhà Việt Nam học uy tín có nhiều dịp gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: Năm 1961, Đại hội lần thứ 22 Đảng Cộng sản Liên Xô, khi đó còn là sinh viên ông được giao nhiệm vụ dịch ca bin lời chào mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam: “Trong Đại hội lần thứ 22, lần đầu tiên người ta tổ chức nhóm dịch ca bin gồm những người Nga nghiên cứu về Việt Nam.
Chúng tôi hoàn toàn không có chút kinh nghiệm nào với kiểu dịch khó này. Do vậy sau ngày làm việc đầu tiên của Đại hội, đại diện Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quan tâm hỏi phía đoàn Việt Nam xem họ thấy công tác dịch thuật thế nào. Không bao giờ tôi quên được, sau khi nhận xét ngắn gọn về từng người chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về tôi như sau: “Chàng trai có giọng barinton này nói tiếng Hà Nội chuẩn” (7).
Sau này E. V. Kobelev có nhiều công trình nghiên cứu và sách về Việt Nam, trong đó có cuốn nổi tiếng Đồng chí Hồ Chí Minh. Dù chỉ tiếp xúc hoặc làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian ngắn nhưng các văn nghệ sĩ nhớ mãi ấn tượng đẹp về vị Chủ tịch lịch thiệp, chân thành, am hiểu sâu sắc nhiều vấn đề.
Như chúng ta biết, lãnh tụ, vĩ nhân của một dân tộc đương nhiên là đề tài, nguồn cảm hứng đầy ngưỡng vọng cho văn hóa nghệ thuật dân tộc đó. Tuy nhiên, trong lịch sử nghệ thuật còn có những lãnh tụ không chỉ được kính yêu và hấp dẫn đối với nghệ sĩ thuộc dân tộc mình mà còn giữ vị trí trang trọng trong tình cảm, sự quý trọng, kính yêu của các nghệ sĩ thuộc dân tộc, quốc gia khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta là một hình tượng như vậy. Bên cạnh hệ thống các tác phẩm trong nước, Việt Nam tự hào có những tác phẩm của văn nghệ sĩ Nga góp phần khắc sâu hơn chân dung văn hóa Hồ Chí Minh rất gần gũi, rất Việt Nam mà cũng rất nhân loại. Mỗi tác phẩm ở thể loại nào cũng là cảm xúc chân thành, mong muốn biểu lộ tình cảm sâu sắc, thắm thiết đối với Người.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sự ủng hộ của các nước XHCN anh em cùng Nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Người rất quan tâm, hoan nghênh bạn bè đến và giúp Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tại Khu Phủ Chủ tịch, Người đã đón tiếp rất nhiều bạn văn nghệ sĩ Nga đến thăm và có những hoạt động sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, Việt Nam có cơ hội đón tiếp nhiều hơn các văn nghệ sĩ Nga. Tháng 4/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu văn hóa sang thăm Việt Nam trong Khu Phủ Chủ tịch. Ngày 6/11/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nghệ sĩ đoàn ba lê Nga sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam.
Ngày 27/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gia đình đồng chí Aleshin, phóng viên Đài phát thanh tại Phủ Chủ tịch. Ngày 17/7/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhạc sĩ, chuyên gia âm nhạc Nga Belarutxep. Ngày 9/2/1962, Người thăm lớp học văn hóa của con em cán bộ Đại sứ quán Nga và các nước Đông Âu tại Việt Nam. Ngày 17/12/1964, Người tiếp đoàn đại biểu các nhà văn, nhà báo Nga sang thăm Việt Nam tại Phủ Chủ tịch...
Hiện nay, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đang bảo quản, trưng bày nhiều hiện vật thể hiện tình cảm từ nước Nga gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là cuốn sách 700.000 km trong vũ trụ của nhà du hành vũ trụ, anh hùng German Titov; Đảng Cộng sản - Người tổ chức mọi thắng lợi của Nhân dân Việt Nam do Iuri Melnichuk tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch; Miền Nam Việt Nam ngày nay của I.M.Sedrov, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học; Việt Nam năm 1965 của các tác giả Yuri Zhukov và Victor Sharapov, người đã sang Việt Nam từ tháng 4-6/1965, được gặp và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 18/6/1965; hai cuốn sách Tuyến lửa và Hãy sờ tay vào bom của nhà văn Irina Levchenko; cuốn sách Đường vào vũ trụ của tác giả Yury Gagarin; bức tranh của họa sĩ Aleksei Petrovich Kuznetsov vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc trong khu vườn Phủ Chủ tịch năm 1960…
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), tới thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, khách tham quan trong nước và quốc tế sẽ cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị di sản Người để lại cùng những sáng tác về đề tài Việt Nam - Hồ Chí Minh và thời đại anh hùng của đất nước ta.
Chú thích:
(1) Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, 2000, tr49;
(2) “Thăm một chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc” đăng trên báo Ogoniok (Liên Xô), số 39, ngày 23/12/1923;
(3) Muôn vàn tình thân yêu, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1975, tr170-171;
(4), (5) Tạp chí Nhiếp ảnh, số 111, ngày 1/2/1997;
(6) Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Sđd, tr48;
(7) Trang thông tin điện tử báo Tiền Phong https://tienphong.vn/bac-ho-va-cac-chinh-khach-viet-trong-ky-uc-mot-nguoi-nga-post624484.tpo.