Thanh tra Chính phủ giải đáp, làm rõ nhiều nội dung pháp luật về thanh tra

Thứ sáu, 29/03/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - Cùng với việc tuyên truyền, phố biến các quy định pháp luật mới nhất về thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã giải đáp, làm rõ nhiều nội dung mà các bộ, ngành, địa phương còn vướng mắc.

Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành tổ chức sáng ngày 29/3/2024, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy, các đại biểu đã được nghe đồng chí Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trình bày những điểm đổi mới, những điểm mấu chốt của Luật Thanh tra năm 2022, Nghị quyết số 37/2023/UBTVQH15 ngày 06/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước; Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Đây là những quy định hết sức thiết thực phục vụ cho hoạt động công vụ cho những người làm công tác thanh tra.

leftcenterrightdel
 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy. Ảnh: Huy Trần

Hội nghị đã nghe 06 đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ ngành địa phương phát biểu, đồng thời tiếp nhận và giải đáp cơ bản làm rõ gần 20 câu hỏi về một số vướng mắc trong khi thực hiện các quy định về thanh tra.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Huy Trần

Thủ trưởng cơ quan quản lý không có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra

Trả lời Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Thanh tra, liên quan đến thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết: Khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: "Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra". Như vậy, theo quy định này thì Thủ trưởng cơ quan quản lý không có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra.

Theo quy định của Luật Thanh tra, người ra quyết định thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra có địa vị pháp lý khác nhau trong mối quan hệ chấp hành - điều hành. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chấp hành các quyết định, chỉ đạo và chịu sự kiểm tra, giám sát của người ra quyết định thanh tra.

Người ra quyết định thanh tra giải quyết những kiến nghị của Trưởng đoàn thanh tra và thực hiện một số thẩm quyền tác động trực tiếp đến Trưởng đoàn thanh tra như: đình chỉ, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động thanh tra; yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

Bên cạnh đó, người ra quyết định thanh tra còn có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra do Trưởng đoàn thanh tra trình; xem xét báo cáo kết quả thanh tra và chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thanh tra...

Vì vậy, người ra quyết định thanh tra không thể đồng thời làm Trưởng đoàn thanh tra nhằm bảo đảm tính độc lập, khách quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của từng chủ thể trong quá trình tiến hành thanh tra.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu trực tiếp tại Trụ sở Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Huy Trần

Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu có) phải là người giữ ngạch thanh tra viên

Nội dung này không chỉ là băn khoăn của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc mà cũng là nội dung được nhiều đại biểu các bộ, ngành, tỉnh, thành quan tâm tại Hội nghị.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu có) phải là người giữ ngạch thanh tra viên. Quy định này thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động thanh tra: hoạt động thanh tra chỉ do cơ quan thanh tra và người giữ ngạch thanh tra viên tiến hành.

Do đó, việc lựa chọn người làm Trưởng đoàn thanh tra phải tuân thủ nguyên tắc này và đảm bảo các tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra được quy định tại Điều 28 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP mà không phụ thuộc vào chức danh hành chính của người đó.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có những địa phương chưa đủ điều kiện thực tế để thực hiện đúng quy định, do đó Thanh tra Chính phủ ghi nhận để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong hướng dẫn thi hành Luật.

Về giám sát hoạt động thanh tra, theo quy định tại Điều 97 Luật Thanh tra thì trường hợp người ra quyết định thanh tra xét thấy không cần thiết cử người hoặc thành lập Tổ giám sát thì tự mình thực hiện việc giám sát. Việc giám sát của người ra quyết định thanh tra được thực hiện bằng nhiều hình thức như: nắm bắt thông tin qua đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo... Việc xây dựng kế hoạch giám sát và phê duyệt kế hoạch giám sát theo quy định tại khoản 1 Điều 99 Luật Thanh tra chỉ được thực hiện khi cử người hoặc thành lập Tổ giám sát.

leftcenterrightdel
 Một số điểm cầu trực tuyến tại Hội nghị. Ảnh: Huy Trần

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hướng xử lý Kết luận thanh tra được ban hành sau ngày 01/7/2023

Liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hướng xử lý Kết luận thanh tra được ban hành sau ngày 01/7/2023 (Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực) do Giám đốc Sở ký quyết định và ban hành Kết luận Thanh tra của Thanh tra tỉnh Tây Ninh, Thanh tra Chính phủ có ý kiến như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra năm 2022 thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật Thanh tra năm 2022 ban hành quyết định thanh tra và tại khoản 1 Điều 78 Luật Thanh tra năm 2022 quy định người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Do đó, việc Giám đốc Sở ký quyết định và ban hành Kết luận Thanh tra là không đúng với quy định của Luật Thanh tra năm 2022. Chính vì vậy, để đảm bảo thống nhất thực hiện các quy định của Luật Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thanh tra tỉnh Tây Ninh hướng dẫn nội dung trên cho các sở, ngành trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch thanh tra của tỉnh không tổng hợp kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Thanh tra Công an tỉnh

Trả lời câu hỏi của Thanh tra tỉnh Bình Phước về việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết, Điều 45 của Luật Thanh tra quy định về việc xây dựng và ban hành kế hoạch thanh tra, trong đó kế hoạch thanh tra của tỉnh bao gồm các kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện.

Do những đặc thù về tổ chức và hoạt động trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, khoản 1 Điều 114 của Luật Thanh tra quy định: “Tổ chức và hoạt động thanh tra trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân do Chính phủ quy định". Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là cơ quan có tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương, nên việc xây dựng và ban hành kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Thanh tra Công an tỉnh được thực hiện theo quy định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Vì vậy, kế hoạch thanh tra của tỉnh không tổng hợp kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Thanh tra Công an tỉnh.

Về việc sử dụng con dấu của cơ quan thanh tra trong hoạt động thanh tra

Hiện nay, Luật Thanh tra và Nghị định 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra không quy định Đoàn thanh tra được quyền sử dụng con dấu của cơ quan thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Do đó, cơ quan thanh tra thực hiện việc ký, đóng dấu đối với các văn bản trong hoạt động thanh tra theo quy định chung của pháp luật về quản lý, sử dụng con dấu và quy định về công tác văn thư.

Đối với những văn bản thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra cần thiết phải ký, đóng dấu thì Trưởng đoàn thanh tra trình người có thẩm quyền ký ban hành. Đối với những văn bản không cần thiết phải đóng dấu thì Trưởng đoàn thanh tra ký văn bản thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra theo quy định tại Điều 81 của Luật Thanh tra và các quy định khác có liên quan.

Về xét nâng ngạch thanh tra viên

 Thanh tra Chính phủ trả lời Thanh tra tỉnh Quảng Nam, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long và một số tỉnh như sau:

Về trình tự, thủ tục xét nâng ngạch thanh tra viên lên ngạch thanh tra viên chính, Điều 7 của Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và thành tích để được xét nâng ngạch thanh tra viên. Trình tự, thủ tục cụ thể xét nâng ngạch được thực hiện theo quy định chung của pháp luật về xét nâng ngạch công chức.

Về thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ để nâng ngạch thanh tra viên lên ngạch thanh tra viên chính, Điều 7 của Nghị định số 43/2023/NĐ-CP cũng quy định về xét nâng ngạch thanh tra viên như sau: “1. Thanh tra viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điều 39, 40 và 41 của Luật Thanh tra thì được xét nâng ngạch trong các trường hợp sau đây: a) Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận...".

Theo đó, để xét nâng ngạch từ thanh tra viên lên thanh tra viên chính cần có thành tích xuất sắc trong thời gian giữ ngạch thanh tra viên. Trường hợp đạt Huân chương lao động hạng 3 hoặc Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh trước khi được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên thì không được tính để xét nâng ngạch thanh tra viên lên ngạch thanh tra viên chính.

Liên quan đến ý kiến chuyển ngạch và bổ nhiệm thanh tra viên của Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ thông tin như sau:

Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên được quy định tại Điều 39 của Luật Thanh tra năm 2022, trong đó yêu cầu về kinh nghiệm công tác được thực hiện theo một trong hai tiêu chí: (1) có ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra không kể thời gian tập sự; (2) có ít nhất 05 năm công tác trở lên đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển sang cơ quan thanh tra.

Với trường hợp thời gian công tác của công chức tại Sở Giao thông vận tải của tỉnh Ninh Bình đã được 03 năm 05 tháng, cộng dồn với thời gian công tác tại Thanh tra Bộ 01 năm 07 tháng là đủ 05 năm. Do vậy đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm công tác ở tiêu chí (2).

Với trường hợp thời gian làm công tác thanh tra của công chức tại Thanh tra Bộ Tư pháp đã được 02 năm 07 tháng (không kể thời gian tập sự) thì đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm công tác ở tiêu chí (1).

Trả lời Thanh tra Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xin hướng dẫn về việc giao quyền, ủy quyền ban hành quyết định thanh tra, Thanh tra Chính phủ có ý kiến như sau:

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông, làm việc theo chế độ thủ trưởng. Do vậy, việc giao quyền, ủy quyền ký văn bản do Thanh tra Bộ ban hành được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ về công tác văn thư: “1. Cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành; có thể giao cấp phó ký thay các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Trường hợp cấp phó được giao phụ trách, điều hành thì thực hiện ký như cấp phó ký thay cấp trưởng...".

Có thể nói, với những thông tin hỏi đáp hai chiều, cập nhật về pháp luật thanh tra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ có ý nghĩa thiết thực, góp phần đưa các nội dung pháp luật sớm nhất vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của toàn ngành Thanh tra.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra