Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 2/9/2024 về điều hành dự toán ngân sách nhà nước.
Vẫn còn tình trạng gian lận, trốn thuế, thất thoát, lãng phí
Theo Công điện, trong 8 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 78,5% dự toán trong điều kiện đã thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách khác; chi NSNN được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm; cân đối NSNN được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Kết quả này cho thấy sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm, phối hợp chặt chẽ, chủ động điều hành linh hoạt, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh của các Bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, áp lực lạm phát còn lớn, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp. Thu NSNN về tổng thể đạt tiến độ khá và có tăng trưởng so với cùng kỳ, song vẫn còn một số khoản thu có tiến độ thu đạt thấp, nhất là thu tiền sử dụng đất. Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm mới đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ; còn 19 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được giao năm 2024.
Hơn nữa, qua kết quả giám sát của Quốc hội, kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và công tác quyết toán NSNN hằng năm cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận, trốn thuế, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công sai chế độ quy định, thất thoát, lãng phí tại một số Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Phấn đấu hoàn thành dự toán thu ở mức cao nhất
Theo đó, trong các tháng tới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN đã đề ra, phấn đấu tăng thu, tăng cường tiết kiệm chi, chủ động cân đối NSNN trong những tháng còn lại của năm 2024.
Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
|
|
Các Bộ, cơ quan, địa phương phấn đấu hoàn thành dự toán thu ở mức cao nhất. (Ảnh: chinhphu.vn) |
Đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã ban hành; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất. Để thực hiện được điều này, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, cần đẩy mạnh, hiệu quả hơn nữa chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thu, nhất là thu các giao dịch thương mại điện tử.
Phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm
Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tiết kiệm chi NSNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
Cụ thể, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07/8/2024 của Chính phủ.
Đối với năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên, các Bộ, cơ quan, địa phương phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm để dành nguồn giảm bội chi NSNN hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của từng Bộ, cơ quan, địa phương hoặc bổ sung cho chi đầu tư phát triển.
Phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí thất thoát tài sản công.
Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương không đạt dự toán, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh xây dựng phương án báo cáo Hội đồng nhân dân giải pháp xử lý để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương như sau: Chủ động giữ lại 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương; cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương (quỹ dự trữ tài chính, kết dư ngân sách,...).
Kiểm soát bội chi NSNN, nợ công trong phạm vi cho phép
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát bội chi NSNN, nợ công trong phạm vi cho phép.
Tổng hợp số cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để báo cáo Chính phủ, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07/8/2024 của Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật về đầu tư công nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế; đôn đốc, kịp thời hướng dẫn xử lý các vấn đề phát sinh nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, khẩn trương trình cấp thẩm quyền việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2024 giữa các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.