Thành phố Hồ Chí Minh:

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ bảy, 10/08/2024 11:08
(ThanhtraVietNam) - Sáng 10/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Đề nghị thi hành kỷ luật đối với đồng chí Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính

Thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở và quận, huyện trong năm 2024

Theo Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trì buổi làm việc còn có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

Phát biểu định hướng buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu hội nghị đi thẳng vào những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; những nội dung làm tốt rút ra kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn.

Nhấn mạnh những nhiệm vụ các tháng cuối năm là đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hội nghị tập trung thảo luận để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TPHCM, thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, kinh tế được thúc đẩy… Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là những nội dung rất quan trọng, đặc biệt với TPHCM là địa phương có vai trò vị trí đặc biệt với cả nước. Bởi TPHCM tăng trưởng kinh tế 1% thì đóng góp 0,17% - 0,18% cho toàn quốc, trong đó còn đóng góp rất lớn về thu ngân sách…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hội nghị cũng cần thảo luận những vướng mắc, khó khăn để tìm hướng tháo gỡ. Thủ tướng đánh giá hiện nay còn nhiều vướng mắc về thể chế, nhưng cần quyết tâm chính trị cao để tháo gỡ. Vừa qua, Chính phủ quyết liệt dùng một luật để sửa nhiều luật và việc này đang được đẩy mạnh trong thời gian tới. “Hội nghị cần tập trung đưa ra các đánh giá khách quan, trung thực, rút ra bài học kinh nghiệm để chỉ đạo, lãnh đạo tốt hơn” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TTXVN) 

GRDP 6 tháng ước tăng 6,46% so với cùng kỳ

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước tăng 6,46% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2020 đến nay, đóng góp 19,64% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Trong 7 tháng, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục đạt kết quả tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,6%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu tăng 5,9%; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,2% so với cùng kỳ…

Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đã ưu tiên bố trí 2.796 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo năm 2023 và đã giải ngân đạt 100% cho gần 39.000 khách hàng. Năm 2024, TP bố trí 998 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo và đã giải ngân đạt tỷ lệ 100% cho 13.658 lượt khách hàng vay vốn thuộc Chương trình giảm nghèo; đã bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; đã bố trí 2.900 tỷ đồng cho Dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngành văn hóa và thể thao với 23 dự án (tổng mức đầu tư 22.394 tỷ đồng).

Thành phố quy định hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ; và mức chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể với mức chi tối đa là 3 triệu đồng/biên chế có mặt/tháng đối với một số cơ quan Trung ương trên địa bàn TP.

Thành phố đã thành lập và đưa vào hoạt động: Sở An toàn thực phẩm TPHCM và Trung tâm Chuyển đổi số TP; bố trí thêm 1 Phó Chủ tịch HĐND và 1 Phó Chủ tịch UBND và hình thành bộ máy hoàn thiện TP Thủ Đức; 1 Phó Chủ tịch UBND cho 3 huyện (Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn) và 51/52 Phó Chủ tịch UBND đối với 51/52 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 nghìn người trở lên; đã giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn thuộc TP giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026 với tổng số cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn là 7.037 người.

Trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, ban hành quyết định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; ban hành Quy định về trình tự, thủ tục và kế hoạch thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các diện tích đất thuộc quỹ đất do Nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã được xác định tại hợp đồng BT để thanh toán cho nhà đầu tư,…

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: TU.TPHCM) 

TPHCM tập trung chuẩn bị một số đề án, dự án trọng điểm: Đề án phát triển Hệ thống đường sắt đô thị TP, Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP; Cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ,…

Kiến nghị nhiều nội dung quan trọng

Trên cơ sở các nội dung rà soát nêu trên, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung quan trọng như đôn đốc Bộ Công thương phối hợp UBND TP đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, trình ban hành Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp. Xem xét các nội dung vướng mắc trong hoạt động mua bán tín chỉ cacbon của các chủ dự án, đặc biệt là khi mua bán tín chỉ cacbon ra thị trường nước ngoài

TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư các dự án CRUS1 và CRUS2; phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án Vệ sinh môi trường TPHCM, giai đoạn 2 và dự án Tuyến Metro số 1 làm cơ sở cho TPHCM thực hiện các thủ tục tiếp theo nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án theo cam kết với các nhà tài trợ nước ngoài.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược tại TPHCM vào Danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư; Tiếp tục cấp vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho Khu Công nghệ cao đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao mở rộng; Sớm giải quyết các vấn đề của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và Vạn Thịnh Phát để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.

TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện Dự án Xây dựng đường Vành đai 2 TP, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và đoạn từ Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng với các cơ chế tương tự trường hợp đã thực hiện cho Dự án đường Vành đai 3, trong đó bao gồm việc phê duyệt trước ranh giải phóng mặt bằng của Dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, đảm bảo hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện sớm thông qua: Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị; Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM…

Đình Thuyết

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra