Sáng 2/1, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về “Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã họp Phiên họp thứ bảy dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Khẩn trương triển khai và hoàn thành 5 nội dung nổi bật
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo tập trung rà soát các công việc đã triển khai và thảo luận về các nội dung tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian tới; cho ý kiến về phương án kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển nhiệm vụ của Ủy ban về các cơ quan khác; và một số nội dung khác.
|
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW chủ trì Phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Theo Ban Chỉ đạo, đến nay 30/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã trình phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo của Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương cơ bản đảm bảo tiến độ, yêu cầu.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ đã và đang làm rất quyết liệt việc tổng kết Nghị quyết 18 gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó bởi hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, tài sản, đất đai, thể chế, các văn bản pháp lý… nên vừa làm, vừa phải lắng nghe, đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ 5 nội dung nổi bật mà các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ ngành đã tích cực, khẩn trương triển khai và hoàn thành, gồm: Thống nhất phương án hợp nhất, sáp nhập các bộ, ngành, cơ quan; các bộ, cơ quan đã cơ bản hoàn thành phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy bên trong để trình Chính phủ; Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định liên quan đến chính sách, chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; trình Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định về quản lý tài sản công trong quá trình sắp xếp; Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đã rà soát, tổng hợp các vướng mắc, các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức, bộ máy để đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án sắp xếp, tinh gọn các đơn vị, cơ quan theo kết luận, chủ trương, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo.
Đặc biệt, phương án sắp xếp của các cơ quan, đơn vị cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều. Với những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì đề xuất cấp có thẩm quyền để khẩn trương nghiên cứu bước tiếp theo và sẽ sớm báo cáo cụ thể hơn.
|
|
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Đồng thời, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; tiếp tục rà soát chính sách để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cùng với đó, khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý tài sản công để có căn cứ xử lý vấn đề về tài sản công trong quá trình sắp xếp.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là những văn bản nếu không sửa ngay sẽ ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, cản trở sự phát triển.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tổng kết các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã có trong thực tiễn, nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu nhất. Cùng với đó, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp, trao quyền nhiều hơn cho hội đồng thành viên.../.