Tối ngày 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8, Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 10 (ACMECS 10), Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 11 (CLMV 11). Đây là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hợp tác tiểu vùng Mekong, lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp trở lại sau 6 năm.
Tiểu vùng Mekong mở rộng phải liên tục đổi mới, sáng tạo
Ba Hội nghị đã thông qua một loạt văn kiện quan trọng, như: Chiến lược Đổi mới sáng tạo vì phát triển GMS đến năm 2030, Tuyên bố chung của các nhà Lãnh đạo hợp tác GMS, ACMECS và CLMV. Các nhà Lãnh đạo đã giao các Bộ trưởng, các quan chức cao cấp và các chuyên gia sớm xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, có tính khả thi cao trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên.
Tại các hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những đánh giá, nhận định rất sâu sắc, tâm huyết. Đồng thời, gợi mở tư duy, cách tiếp cận, các ý tưởng mới và các đề xuất thiết thực để tạo bước phát triển đột phá cho cả ba cơ chế hợp tác.
|
|
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên kết nối và hội nhập, kỷ nguyên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, cần đưa đổi mới sáng tạo trở thành một trọng tâm của hợp tác GMS. Đã đến lúc tiểu vùng Mekong mở rộng cần tập trung phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới, với đổi mới sáng tạo là trung tâm, vượt ra khỏi giới hạn của hành lang kinh tế truyền thống.
Theo đó, Thủ tướng đã đề xuất GMS tập trung phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới, với đổi mới sáng tạo là trung tâm; ACMECS xác định sứ mệnh mới là xây dựng một cộng đồng các nước Mekong đoàn kết, vững mạnh và phát triển bền vững; và trọng tâm mới của CLMV là tạo đột phá trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp ngoại lực và đoàn kết vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đề xuất ba nội hàm chính của hành lang kinh tế thế hệ mới, gồm: Hành lang của công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến kết nối đa chủ thể, đa lĩnh vực, đa giai đoạn; hành lang của tăng trưởng kinh tế, vừa làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; hành lang xanh, bền vững và bao trùm, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, là động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển.
Trong đó, cần chú trọng cách tiếp cận “4 cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng; cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào.
5 bài học và phương châm “6 gắn kết”
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 bài học quý giá. Đó là: (1) Thực hiện tham vấn bình đẳng, rộng rãi, củng cố đồng thuận giữa các thành viên vì lợi ích chung; (2) xây dựng các chiến lược, chương trình hợp tác thực chất, gắn với nhu cầu thực tế của mỗi nước và tiểu vùng; (3) hợp tác lấy người dân, cộng đồng làm trung tâm; thúc đẩy kết nối kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; (4) kết hợp nỗ lực của mỗi thành viên với sự đồng hành của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác phát triển; (5) biến những khó khăn thành động lực để vươn lên, càng khó khăn chúng ta càng nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết để tạo thành sức mạnh cùng thúc đẩy hợp tác và phát triển.
|
|
Thủ tướng đề xuất 6 nội dung để hợp tác ACMECS bứt phá tại Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 10. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn phương châm “6 gắn kết”. Cụ thể, gắn kết giữa tư duy và hành động; giữa truyền thống và hiện đại; giữa tăng trưởng nhanh với phát triển bền vững; giữa quốc gia với khu vực và quốc tế; giữa chính phủ với người dân và doanh nghiệp; giữa phát triển và duy trì ổn định và bảo đảm an ninh.
Trong điều kiện và bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, cần phải đoàn kết, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để đối phó và vượt qua các thách thức mang tính toàn diện, toàn cầu, khu vực và toàn dân. Mặt khác, chúng ta cùng nhau phản đối chính trị hóa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại, đầu tư.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên và các đối tác phát triển để cùng xây dựng một tiểu vùng Mekong mở rộng đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển bền vững, thịnh vượng.
Những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các Lãnh đạo và các đại biểu. Phía Trung Quốc đánh giá cao đề xuất của Thủ tướng Chính phủ về hành lang kinh tế thế hệ mới, coi đây là một sáng tạo. Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone ngay trong phát biểu mở đầu Hội nghị Cấp cao CLMV cũng đánh giá rất cao vai trò, sự đóng góp tích cực, nòng cốt của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác cơ chế này.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc trao đổi sâu rộng với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và ba nước trong giai đoạn phát triển mới trên tinh thần tin cậy, đoàn kết gắn bó và thông hiểu lẫn nhau. Lãnh đạo cấp cao ba nước nhất trí đẩy mạnh triển khai các lĩnh vực hợp tác chiến lược về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, năng lượng, tài chính và giao lưu nhân dân.
Việt Nam đã có những đóng góp rất cụ thể, thiết thực cho các cơ chế hợp tác. Tại các Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã công bố việc Việt Nam sẽ đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Phát triển ACMECS; tiếp tục triển khai chương trình học bổng, tiếp nhận sinh viên các nước Campuchia, Lào, Myanmar sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.
|