Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là các Bộ, cơ quan, địa phương) theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, đề cao trách nhiệm thực thi, quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nâng cao tính chủ động, sáng tạo của nền kinh tế
Chỉ thị nêu rõ, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu 2 con số trong những năm tiếp theo, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội; giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn, khả năng tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo của nền kinh tế để thích ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực. Đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác.
Việc thực hiện phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ tốt nhất các mục tiêu phát triển, bảo vệ chủ quyền, an ninh, nâng cao vị thế của đất nước trên tinh thần tích cực chủ động. Ưu tiên giải quyết dứt điểm, kịp thời, hiệu quả những vấn đề mà các đối tác quan tâm, nhất là các chương trình, dự án cụ thể.
Đa dạng hóa thị trường, rà soát các sắc thuế đang áp dụng với các nước
Về định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành.
Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính - ngân hàng, quốc phòng - an ninh nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ tốt đẹp với các nước, nhất là các nước lớn, các nước Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở tin cậy, chân thành, hài hòa lợi ích. Tập trung chủ động, khẩn trương thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, các hình thức giao lưu, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt ở tất cả các cấp, các kênh; tạo môi trường thuận lợi cho tăng cường hợp tác hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch hành động về cân bằng thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn. Tiếp tục khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, thúc đẩy xúc tiến thương mại; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng. Tiếp tục vận động, thúc đẩy các nước sớm dỡ bỏ các hạn chế, kiểm soát về xuất khẩu công nghệ cao; công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
    |
 |
Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: chinhphu.vn) |
Nâng cao năng lực, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, thích ứng với các rào cản kỹ thuật mới của các đối tác xuất khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các sắc thuế đang áp dụng với các nước, nhất là các nước có quan hệ Đối tác chiến lược/Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, trong đó có Hoa Kỳ trên tinh thần đảm bảo hài hòa, cân bằng lợi ích; khẩn trương trình Chính phủ việc sửa Nghị định 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023.
Tiếp tục nhân rộng và phát huy cơ chế Tổ công tác làm việc với các nhà đầu tư chiến lược, nghiên cứu thực hiện hiệu quả phát triển “Cổng một cửa đầu tư quốc gia”, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2025.
Thúc đẩy hợp tác với các đối tác có trình độ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số phát triển
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xây dựng các phương án, biện pháp phù hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp tác với các đối tác trong thanh toán, tiền tệ; áp dụng các biện pháp cân bằng, hợp lý, hài hòa.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ động xây dựng Đề án hợp tác về các lĩnh vực tiềm năng như khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nông nghiệp… với các đối tác; thúc đẩy mở cửa hơn nữa thị trường của nhau cho các mặt hàng hai bên có thế mạnh, nhu cầu, đáp ứng lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của các bên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao bám sát chủ trương, đường lối, chính sách tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với các đối tác lớn, Đối tác chiến lược toàn diện có trình độ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số phát triển; kịp thời xử lý các quan tâm của phía đối tác liên quan đến thực thi pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung giải quyết hiệu quả các chương trình, dự án còn khó khăn, vướng mắc với các đối tác, nhất là các chương trình, dự án lớn phía đối tác đang đặc biệt quan tâm và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung giải quyết dứt điểm quan tâm của các đối tác về giấy phép lao động, thị thực. Trong đó, rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung các trường hợp được áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương; đẩy nhanh đàm phán miễn thị thực song phương đã thống nhất với các đối tác; rà soát, tổng hợp các chính sách ưu đãi về thị thực của Việt Nam đối với từng đối tượng; rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 và Nghị định 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 theo hướng tạo điều kiện miễn giấy phép lao động hoặc rút gọn thủ tục cấp giấy phép lao động cho các đối tượng thuộc lĩnh vực cần ưu tiên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2025.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyền truyền về những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác với các đối tác, nhất là các nước lớn, các Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện…
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải chủ động tập trung quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để khẩn trương tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này trên tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”. Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của Bộ, ngành, địa phương mình…/.