Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Thứ sáu, 03/02/2023 14:27
(ThanhtraVietNam) - Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP xác định rõ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong đó, chú trọng vào 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Chất lượng hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới

Nghị quyết 09/NQ-CP nêu rõ, Chương trình hành động của Chính phủ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả quan điểm chỉ đạo, phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế tập thể mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra, đó là: Đến năm 2030 có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá. 

Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. 

Đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

leftcenterrightdel
Các mô hình kinh tế tập thể cần nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp hơn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong bối cảnh công nghiệp hóa. Ảnh: T.A 

Bộ, ngành, địa phương tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. 

Hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,...) và các tổ chức đại diện để nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng coi các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công - quản trị cộng đồng). Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể. Bố trí nguồn kinh phí tương xứng từ ngân sách nhà nước để bảo đảm triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể.

Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Có chính sách phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của kinh tế tập thể.

Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể; kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát triển các tổ chức kinh tế tập thể. 

Có cơ chế, chính sách khuyến khích tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của tổ chức kinh tế tập thể.

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể.

Nghiêm túc triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, thực chất, toàn diện nhiệm vụ, giải pháp

Để thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trên, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, thực chất, toàn diện nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chương trình hành động này; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của bộ, ngành, địa phương mình.

Thời gian cụ thể đến trước ngày 28 tháng 02 năm 2023, xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết; trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đầu ra đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát.

Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước và xây dựng, triển khai các chương trình, đề án liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, cần phối hợp chặt chẽ với hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các tổ chức đại diện liên quan và các tổ chức kinh tế tập thể để bảo đảm khả thi và hiệu quả...

Đối với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tăng cường giám sát thực thi công vụ, phản biện xã hội và đóng góp ý kiến, góp phần tạo đồng thuận trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết.

Đồng thời các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức hội được giao chủ trì xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực kinh tế tập thể cần lấy ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đáng chú ý, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW đến các tầng lớp nhân dân; định hướng, tuyên truyền, mở các chuyên mục trên báo, đài nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể; xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí lớn ở Trung ương và địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã; kịp thời phổ biến các mô hình thí điểm, các điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ, đề án được giao; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra