Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành:

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, tập huấn tạo cơ sở thực hiện hiệu quả các hoạt động thanh tra

Thứ sáu, 29/03/2024 12:00
(ThanhtraVietNam) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến tập huấn Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo cơ sở thực hiện có hiệu quả các hoạt động thanh tra trong thời gian tới.

Sáng ngày 29/3, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là Hội nghị nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Thanh tra.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện lãnh đạo thanh tra các bộ, ngành; thủ trưởng và công chức thuộc Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, tại các điểm cầu ở địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo công chức của thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan tổ chức có liên quan.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội nghị (ảnh: T. Huy) 

Hội nghị được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra các quy định của Luật Thanh tra 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Thanh tra, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong đó, tập trung vào những điểm mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra. Đây là các văn bản pháp luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ toàn diện cho tổ chức hoạt động thanh tra. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy nhấn mạnh, Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế bất cập của Luật Thanh tra năm 2010 ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: T. Huy) 

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra

Luật Thanh tra năm 2010 được Quốc hội thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là cần thiết nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế TTCP phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: T. Huy)

Luật Thanh tra năm 2022 có sự thay đổi nhiều nội dung thể hiện nhiều chính sách mới với 8 chương và 118 điều, so với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 đã tăng 30 điều, trong đó đã bổ sung 2 chương mới (Chương V: Thực hiện Kết luận thanh tra và chương VI: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra), lược bỏ chương VI về Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra 2010. 

Chế định về thanh tra nhân dân được quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cũng được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tháng 11/2022, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 - cùng ngày có hiệu lực của Luật Thanh tra 2022. Luật Thanh tra năm 2022 cũng lược bỏ chế định về cộng tác viên thanh tra được quy định tại Chương III Luật Thanh tra 2010, tuy nhiên vẫn quy định về việc trưng tập thành viên Đoàn thanh tra.

Không phải tất cả các sở đều thành lập cơ quan thanh tra

Qua giới thiệu một số nội dung chính và những điểm mới của Luật Thanh tra và các Nghị định quy định chi tiết, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Văn Long cho biết, qua tổng kết thi hành Luật Thanh tra, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện có từ 15 đến 19 tổ chức Thanh tra sở. Biên chế tại các sở hiện nay còn hạn chế, tại nhiều sở, biên chế chỉ có dưới 50 người, cá biệt có sở chỉ có dưới 30 biên chế.

Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở nhiều sở nên một số cơ quan chỉ bố trí được từ 01 đến 02 biên chế, dẫn đến hoạt động nặng về hình thức, không hiệu quả. Vì vậy, Luật Thanh tra năm 2022 quy định theo hướng không phải tất cả các sở đều thành lập cơ quan thanh tra để tránh dàn trải.

leftcenterrightdel
 Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Văn Long đã trình bày những điểm mới, điểm mấu chốt của Luật thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. (Ảnh: T. Huy)

Mặt khác, để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thanh tra sở, khắc phục bất cập, hạn chế, Luật quy định theo hướng giao quyền chủ động cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương và biên chế được giao, trừ một số trường hợp đặc thù do Luật định và theo quy định của Chính phủ. 

Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự Hội nghị (ảnh: T. Huy) 

Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra

Theo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Văn Long, việc chậm trễ, ban hành kết luận thanh tra không kịp thời là một trong những tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ qua tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010. Để khắc phục tình trạng này, Luật Thanh tra 2022 đã quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra nhằm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Luật xác định rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn quy định (khoản 1 Điều 78).

Một trong nhũng điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 là việc quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra (khoản 3 Điều 78). Bởi cuộc thanh tra có nhiều nội dung, thì nội dung nào rõ và đủ cơ sở thì kết luận ngay để phục vụ công tác quản lý nhà nước và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác theo quyết định thanh tra. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh sự cần thiết; đồng thời, làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham gia Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu. (Ảnh: T. Huy)

Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình và kế hoạch đã đề ra

Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho phần trả lời, giải đáp các ý kiến của đại biểu tham gia về những nội dung mà các đại biểu quan tâm, đặc biệt là đối với những nội dung hiểu chưa hết hoặc chưa đầy đủ về Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Có 06 bộ, ngành, địa phương phát biểu với tổng số 18 câu hỏi vướng mắc trong thực hiện các quy định về thanh tra và cơ bản đã được giải đáp làm rõ. Cụ thể, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến, thắc mắc xung quanh những nội dung về thẩm quyền của đoàn thanh tra, thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, chức năng thanh tra chuyên ngành, quy định về trưởng đoàn thanh tra, xử lý chồng chéo…

Sau buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình và kế hoạch đã đề ra. Các đại biểu được nghe Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Văn Long trình bày những điểm mới, điểm mấu chốt của Luật thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. “Đây là những quy định có thể nói hết sức thiết thực phục vụ cho hoạt động công vụ cho những người làm công tác thanh tra”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy khẳng định.

Từ Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những hoạt động tuyên truyền, phổ biến tập huấn Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức để giúp hiểu rõ hơn đúng và đầy đủ hơn các quy định nhất là những điểm mới về chức năng thẩm quyền của người tiến hành thanh tra tạo cơ sở thực hiện có hiệu quả các hoạt động thanh tra trong thời gian tới./.

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra