Chủ động, tích cực tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Báo cáo với Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về kết quả sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất - nhập khẩu trên địa bàn, UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng định, năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng UBND tỉnh đã chủ động, tích cực tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023; Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023; tổ chức 4 hội nghị chuyên đề để giải quyết các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước...
Kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và phát triển, đạt được tốc độ tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp ổn định, duy trì theo đúng khung thời vụ, đảm bảo an ninh lương thực; giá trị sản xuất công nghiệp và sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ; các hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền, thúc đẩy du lịch diễn ra sôi nổi với quy mô lớn, nội dung phong phú, có nhiều đổi mới; tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa thiết thực phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh.
Chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước phát triển đáng khích lệ. Quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động giúp tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tỉnh đã triển khai kịp thời và có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; người có công với cách mạng; công tác kiểm tra, giám sát và công tác thanh tra, tư pháp được tăng cường, tình hình tôn giáo ổn định; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
|
|
Thực hiện Văn bản số 126/TTg-QHĐP ngày 07/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đoàn công tác của Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, ngày 23/2/2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và Đoàn công tác đã làm việc theo hình thức trực tuyến với tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Hà Tuấn |
Một số kiến nghị
|
Năm 2023, thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã 2 lần làm việc với tỉnh Tuyên Quang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu vào tháng 5 và tháng 10.
Tại cuộc làm việc ngày 20/10/2023, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã đề nghị Chính phủ giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 số tiền 1.220 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Tuyến đường từ thị trấn Sơn Dương đi xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
|
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ, Thanh tra Chính phủ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nội dung:
Một là, đề nghị hỗ trợ nguồn lực đầu tư xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo Kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với tỉnh Tuyên Quang tại Thông báo số 2046/TB-VPQH ngày 28/02/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội và Văn bản số 1492/VPQH-TK ngày 23/6/2023 của Văn phòng Quốc hội (668 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng).
Hai là, đối với Dự án Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn tại xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn và phường Đội Cấn, TP Tuyên Quang:
Hiện nay, Tuyên Quang đang tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có việc thực hiện bổ sung quy hoạch và thành lập 06 khu công nghiệp mới.
Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn đã được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và nhà đầu tư đã nộp xin hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ chỉ tiêu quốc gia phân bổ đất khu công nghiệp cho tỉnh Tuyên Quang là 320 ha. Trong đó kế hoạch sử dụng đến năm 2025 là 198 ha chưa đáp ứng được định hướng phát triển quy hoạch và thành lập mới các khu công nghiệp của tỉnh. Vì vậy, đề nghị Chính phủ sớm xem xét bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp đến năm 2030 cho tỉnh Tuyên Quang là 972,15 ha và đến 2050 là 1.847,15 ha.
Ba là, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) để Tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện Dự án nhà máy thủy điện Tuyên Quang mở rộng (công suất dự kiến 120MW) và Dự án nhà máy điện sinh khối Tuyên Quang (công suất dự kiến 100MW), đồng thời bổ sung Dự án thủy điện Sông Lô 9 công suất 105 MW thực hiện trên địa bàn tỉnh.
|
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tai Hội nghị trực tuyến với địa phương. Ảnh: Hà Tuấn |
Đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các bộ ngành, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cơ bản thống nhất và đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu địa phương đã đạt được.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nắm chắc tình hình, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, nhất là các dự án đầu tư trên địa bàn; triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, nếu phát sinh khó khăn phải báo cáo với các bộ ngành để xem xét giải quyết.
Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công vụ, chỉ ra các tồn tại mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; triển khai nghiêm các kết luận của Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; không để tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng và không dám làm.
Về những đề xuất, kiến nghị của địa phương, Tổng Thanh tra Chính phủ giao cơ quan chuyên môn tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội theo thẩm quyền.