Tránh "bệnh thành tích" trong giảm nghèo

Thứ sáu, 11/09/2020 06:45
Qua đi giám sát các địa phương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, “có thực trạng hầu như các tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện đều đạt, giao bao nhiêu cũng đạt hết, mặc dù vẫn kêu nguồn lực hạn chế, khó khăn”.
Chiều 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 48.
leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: Quang Khánh/ĐBND)

Khó đạt mục tiêu giảm nghèo năm 2020

Trong chiều nay, UBTVQH đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 3,75% năm 2019 và ước năm 2020 còn khoảng 2,75%, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%; tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo giảm từ 50,4% năm 2015 xuống còn 27,8% năm 2019, ước cuối năm 2020 còn khoảng 24%, trung bình mỗi năm giảm 5,2%. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.

Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu.

“Kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 76 đặt ra.

Tình trạng phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều trong các vùng của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng thấp.

Hơn nữa, nguồn lực đầu tư cho người nghèo và các địa bàn nghèo, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua, một số chính quyền cấp xã chưa thực hiện đúng quy trình, chưa áp dụng đầy đủ bộ công cụ rà soát, chưa niêm yết công khai và tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân về kết quả rà soát tại thôn, ấp. Do vậy, tình trạng một số đối tượng không đủ điều kiện được đưa vào danh sách hộ cận nghèo để trục lợi chính sách vẫn còn xảy ra tại một số địa phương...

Dự báo về tình hình giảm nghèo năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khả năng khó đạt mục tiêu giảm nghèo của năm 2020. Bởi lẽ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, một số hộ gia đình rơi vào tình trạng nghèo đói, tái nghèo, thậm chí thiếu đói, thiếu lương thực do mất nguồn thu nhập và mất việc làm, sinh kế. Công tác giảm nghèo gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, bảo đảm người nghèo có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, tổng mục tiêu giảm nghèo của giai đoạn vẫn đạt được.

Nguồn lực hạn chế nhưng giao chỉ tiêu bao nhiêu cũng đạt?

Thảo luận tại phiên họp, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tức giảm nghèo, song Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề cập đến tình trạng thoát nghèo chưa bền vững và biểu hiện chạy theo thành tích.

Cụ thể, ông nêu rõ, theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến đến năm 2020 tỷ lệ các thôn, xã, huyện thoát nghèo, tình trạng khó khăn đều đạt mục tiêu theo Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, qua đi giám sát các địa phương, có thực trạng hầu như các tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện đều đạt. "Giao bao nhiêu cũng đạt hết, mặc dù vẫn kêu nguồn lực hạn chế, khó khăn” - ông Hà Ngọc Chiến thẳng thắn phát biểu. 

Do đó, ông đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá chính xác số liệu thôn, bản xã thoát tình trạng đặc biệt khó khăn đến năm 2020.

Vẫn theo ông Hà Ngọc Chiến, cũng có thực tế là giảm nghèo bằng cách đưa hộ nghèo về hộ cận nghèo, nên tỷ lệ hộ cận nghèo cao. “Có những năm có địa phương giảm nghèo đạt chỉ tiêu nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo tăng lên rất nhiều” – ông nói.

Ngoài ra, ông Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; có giải pháp định hướng cho các địa phương giải quyết việc làm cho số học sinh, sinh viên tốt nghiệp cử tuyển.

Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục khẩn trương phối hợp với các bộ ngành, địa phương rà soát bổ sung ban hành chính sách thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho số sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi là người dân tộc thiểu số.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá những kết quả đạt được rất ấn tượng, cơ bản các chỉ tiêu đều đã đạt và vượt. Song ông đề nghị cần quan tâm hơn tới vấn đề đất sản xuất, đất ở vì đây là điều kiện tiên quyết để tạo sinh kế cho người dân, từ đó mới có thể giảm nghèo bền vững được.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, vui mừng khi việc thực hiện chương trình là hiệu quả. Tuy nhiên đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét lại có nhiều đối tượng có phải là hộ nghèo không hay thực tế là đối tượng yếu thế cần được hưởng bảo trợ xã hội, để bảo đảm chất lượng báo cáo.

Cũng trong chiều nay, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn./.

Kim Thanh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra