Tuyên ngôn Độc lập - Bản lập quốc chứa đựng giá trị pháp lý và nhân văn cao cả

Chủ nhật, 01/09/2024 06:47
(ThanhtraVietNam) - Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm chính luận đặc sắc ra đời từ 02/9/1945. 79 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị pháp lý và nhân văn cao cả của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc, khẳng định khí phách anh hùng và tinh thần đoàn kết, nhân văn của người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ đất nước hùng cường.
leftcenterrightdel
 Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu

Hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập và Quốc Khánh 02/9/1945 lịch sử

Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phát xít Nhật, kẻ đang chiếm đóng nước ta đầu hàng đồng minh. Nhân dân ta giành được chính quyền trên cả nước. Ngày 26/8/1945, Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Người đã thực hiện trách nhiệm lịch sử trọng đại, tập trung trí tuệ và tình cảm, soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới.

Bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời cách đây đã 79 năm. Nhưng những giá trị mà bản Tuyên ngôn mang lại cho tới nay vẫn có ý nghĩa rất lớn lao như một bản lập quốc vĩ đại. Nhân dịp Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), đánh giá về giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập như một bản lập quốc vĩ đại, Tổng Bí Thư - Chủ tịch nước Tô Lâm xúc động phát biểu: Đi theo tiếng gọi của Người dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam - từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế… Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (P5), các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế (1). Để có được những thành quả như ngày hôm nay chúng ta đều biết ơn Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và cùng ôn lại không khí lịch sử ra đời của Bản Tuyên ngôn Độc lập mùa thu năm ấy.

Các nhà sử học Việt Nam ghi nhận: Trước khi bản Tuyên ngôn Độc lập chính thức được công bố, ngày 29/8/1945, Hồ Chí Minh muốn một người Mỹ đang là sỹ quan quân đội Mỹ được nghe bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Ngay từ đoạn đầu của Tuyên ngôn, người sỹ quan Mỹ đã thấy có ý trích từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Theo vị người Mỹ này thì bản Tuyên ngôn Độc lập mà Hồ Chí Minh viết là đã được chắt lọc suy ngẫm sâu sắc về giá trị của quyền con người cao hơn, rộng hơn, tiến bộ hơn nước Mỹ. Bởi Tuyên ngôn của Mỹ theo một cách hiểu chỉ nói “tất cả những người đàn ông - that all men” có quyền bình đẳng thì Tuyên ngôn của Hồ Chí Minh đã được nâng thành “mọi người”, “mọi dân tộc” - cả nam và nữ đều có quyền bình đẳng. Tư duy của Hồ Chí Minh khiến người Mỹ rất tâm phục, khẩu phục.

leftcenterrightdel
Nguồn ảnh: https://danguykccq.tuyenquang.gov.vn/

Để bản Tuyên ngôn Độc lập được sâu sắc và hoàn chỉnh hơn, hôm sau Hồ Chí Minh tiếp tục mời một số cán bộ trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng và các vị bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Sau khi đọc bản thảo cho mọi người nghe, Hồ Chí Minh và các đồng chí xung quanh không giấu nổi xúc động. Người tâm sự “đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới được viết một bản Tuyên ngôn như vậy... Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam (2)”. Ngày 31/8/1945, Hồ Chí Minh bổ sung một số điểm, hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn Độc lập. Nhiều công việc chuẩn bị cho Lễ Độc lập cũng được hoàn tất.

Ngày 02/9/1945, Hà Nội được vinh dự thay mặt các địa phương trong cả nước, tổ chức ngày Lễ Độc lập để Chính phủ lâm thời ra mắt đồng bào; đồng thời nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập thể chế dân chủ cộng hòa. Từ sáng sớm, cả Hà Nội bừng lên trong màu cờ đỏ sao vàng và đèn, hoa rực rỡ. Những biểu ngữ lớn bằng chữ Việt, Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc chăng khắp các đường phố: "Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết", "Ủng hộ Chính phủ lâm thời", "Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”...

Từ giữa trưa, Nhân dân thành phố và các vùng lân cận đã cuồn cuộn đổ về quảng trường Ba Đình, nơi dựng lễ đài Độc lập; tràn ngập các phố chung quanh.

Đúng 14 giờ, Lễ Độc lập được tổ chức trọng thể tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội. Các thành viên của Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài. Bài Tiến quân ca vang lên hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trân trọng giới thiệu Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh. Cả quảng trường rung chuyển với những tiếng hô: “Độc lập! Độc lập!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sau hơn 30 năm bôn ba khắp các châu lục trên thế giới để tìm con đường cứu nước, nay đã về đến đất mẹ Việt Nam, về đến Hà Nội ra mắt quốc dân, đồng bào. Đứng trên lễ đài, Hồ Chí Minh dáng người nhỏ nhắn, bình dị mà vô cùng uy nghi vẫy tay chào đồng bào, chiến sĩ và những người nước ngoài tới dự mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, rồi Người giơ hai tay lên cao làm hiệu cho mọi người im lặng.

Thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng những lời “điềm đạm, đầm ấm, khúc triết, rõ ràng”. Đó không phải là giọng hùng hồn, lên gân mà mọi người thường được nghe trong những ngày lễ long trọng. Đó là một giọng nói trầm ấm, tha thiết, xúc động mang âm hưởng một chút của quê hương Nghệ An máu thịt.

Ai cũng thấy ngay ở đó những tình cảm sâu sắc, ý chí kiên quyết; tất cả đều tràn đầy sức sống; từng câu, từng tiếng đi vào lòng người. “Hỡi đồng bào cả nước!”. Hồ Chí Minh ngừng lại và hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?” Cả biển người như vỡ òa cảm xúc đồng thanh đáp lại: “Rõ!”. Từ thời điểm đó trở đi có một mối liên kết đặc biệt đã hình thành giữa lãnh tụ và quần chúng. Hàng vạn người chăm chú lắng nghe từng lời của Hồ Chí Minh. Người “cùng với cả biển người đã hòa làm một”. Giây phút ấy, Hồ Chí Minh “đã thấu cảm tới quần chúng Nhân dân”.

Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sưởng và quyền tự do", "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được". Không dừng lại ở quyền con người, Hồ Chí Minh đã phát triển và nâng cao thành quyền dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tiếp đó, Tuyên ngôn Độc lập tố cáo và lên án những tội ác của thực dân Pháp. Chúng đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”, thực hiện một chính sách cực kỳ phản động trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, không “bảo hộ” cho ta mà “bán” nước ta cho Nhật. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Người chỉ rõ sự thực dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Giữa lúc thực dân Pháp đang ráo riết đưa quân trở lại xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh khái quát lịch sử “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Hướng về nước Pháp, Hồ Chí Minh khảng khái tuyên bố chính sách đối ngoại của Việt Nam, chủ yếu là với nước Pháp: “Bởi thế cho nên, chúng tôi - Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới - đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những Hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.

Bản Tuyên ngôn cũng bày tỏ niềm tin, rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tehéran và San Francisco, “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Trên cơ sở những lập luận hết sức chặt chẽ trong bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! (3)”.

Cuối cùng, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới về quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam và quyết tâm giữ gìn nền tự độc lập của Nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng cảnh báo nghiêm khắc những thế lực xâm lăng đang có mặt trên đất nước Việt Nam lúc đó: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Có thể thấy, Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh xứng đáng là một tác phẩm lập quốc hùng cường, là bản anh hùng ca chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam, nêu cao ý chí đấu tranh của toàn dân để giữ vững quyền độc lập tự do, bảo vệ chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa; kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc và toàn nhân loại; kết tinh ý chí và nguyện vọng độc lập tự do của Nhân dân Việt Nam. Quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập đã đặt cơ sở pháp lý quan trọng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những điểm đặc biệt và cống hiến của bản Tuyên ngôn Độc lập

Có thể nhận thấy, bản Tuyên ngôn độc lập có bốn điểm đặc biệt sau:

Một là, bản Tuyên ngôn được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn. Người soạn thảo trong thời gian 4 ngày, từ ngày 26/8/1945 đến 29/8/1945.

Hai là, bản Tuyên ngôn sau khi dự thảo xong, đã được Người đưa ra tham khảo ý kiến của của một sĩ quan Mỹ là Thiếu tá Pa-ti thuộc Cơ quan Tình báo Mỹ (OSS đã hoạt động bên cạnh Việt Minh chống phát-xít, ủng hộ Đồng minh) và ý kiến trí tuệ tập thể của  Ban Thường vụ Trung ương ngày 30/8/1945.

Ba là, bản Tuyên ngôn mở đầu bằng các đoạn trích trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của nước Pháp nói về các quyền cơ bản của con người. Trong khi Mỹ và Pháp là 2 tên đế quốc, thực dân sừng sỏ có nền độc lập từ trước, được cả thế giới công nhận là 2 nước lớn. Nghệ thuật gậy ông đập lưng ông được Hồ Chí Minh vận dụng rất khéo léo, chặt chẽ.

Bốn là, bản Tuyên ngôn do Người trực tiếp viết với lời văn gọn rõ, đanh thép, lập luận chặt chẽ, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, thể hiện quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành được của cả dân tộc Việt Nam.

Về đóng góp, cống hiến, bản Tuyên ngôn Độc lập có 2 cống hiến cơ bản sau:

Thứ nhất, cống hiến nổi tiếng của Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ được viết ra từ 169 năm trước, đó là phát triển “quyền con người” thành “quyền dân tộc”. Theo Người, quyền con người và quyền dân tộc có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người. Ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.

Thứ hai, Người cũng trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Trên cơ sở đó, Người viết: "Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và tất nhiên, dân tộc Việt Nam cũng có những quyền sung sướng và quyền tự do như bao dân tộc khác.

Có thể thấy, Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển những bản tuyên ngôn trong lịch sử dân tộc là Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo. Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của Nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc ta.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập - Bản lập quốc hùng cường vĩ đại khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.

Đúng như lời Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu trong Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: “Nhìn lại chặng đường 79 năm qua, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng ta và dân tộc ta; của các bậc tiền bối, trong đó có cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và nghĩa vụ quốc tế cao cả; những đóng góp to lớn của Nhân dân, những người đã quên mình trong lao động, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta; mãi mãi ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, Nhân dân thế giới đã dành cho Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

(1)Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh 02/9/1945 - 02/9/2024 https://thanhtravietnam.vn/thoi-su/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-le-ky-niem-quoc-khanh-2-9-1945-2-9-2024-210025.html;

(2) T. Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011;

(3) Toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập https://vietnamnet.vn/toan-van-ban-tuyen-ngon-doc-lap-771240.html.

TS Vũ Thị Hồng Khanh,
Học viện Chính trị khu vực 1

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra