Vai trò của đảng viên trẻ trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng trên không gian mạng

Thứ năm, 10/10/2024 08:47
(ThanhtraVietNam) - Trước sự phát triển mạnh mẽ của thông tin số, nhiều luồng thông tin không chính thống đã ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ, trong đó 1 bộ phận Đảng viên trẻ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Trước tình hình đó, việc Đảng viên trẻ tham gia mạng xã hội để đấu tranh, phản bác tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng là điều tất yếu và phù hợp với sự phát triển hiện nay. Chính vì thế, Đảng viên trẻ cần phải thể hiện vai trò quan trọng của mình như thế nào cho đúng đắn trên không gian mạng là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng trong tình hình mới.

Trong lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc, lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam luôn là lực lượng xung kích trên tất cả các mặt trận như trước đây có đồng chí Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) đã sớm giác ngộ con đường cách mạng và trở thành một liên lạc viên tin cậy của tổ chức Đảng nhờ sự nhanh nhẹn, mưu trí trong cách thức công tác bí mật đã nhiều lần đưa, chuyển thư từ, dẫn đường cho cán bộ lọt qua sự bao vây, canh gác của địch. Người anh hùng  Lê Văn Tám anh dũng hi sinh, lấy thân mình xông vào phá kho xăng đạn của địch, để lại trong trí nhớ nhân dân Thành đồng Tổ quốc hình ảnh: “Em bé đuốc sống”. Nhắc đến những người anh hùng trẻ tuổi, chúng ta không thể quên ơn người anh hùng Võ Thị Sáu, khi mới 14 tuổi chị đã dùng lựu đạn giết chết một tên quan ba Pháp và làm bị thương 20 tên lính ngay tại vùng Đất Đỏ… Đến năm 1911, thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - người đã ra đi tìm con đường mới cho sự nghiệp cứu nước cho dân tộc ta khi mới chỉ 21 tuổi.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Phạm Ngọc Dũng (ảnh đứng) - Viện kiểm sát nhân dân huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định 

Tiếp nối tinh thần đó, trong giai đoạn hiện nay, tuổi trẻ Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để học tập, rèn luyện và trưởng thành, có đầy đủ bản lĩnh để sẵn sàng dấn thân, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay đất nước ta đã có được hòa bình và đang trên đường phát triển nhưng các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn luôn tìm mọi cách thức, phương thức tấn công để làm suy yếu tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của nhân dân ta của các Đảng viên, đặc biệt là Đảng viên trẻ tuổi. Cách thức phổ biến nhất hiện nay là tấn công trên không gian mạng xã hội.

Thời gian gần đây, rất nhiều mạng xã hội xuất hiện, đưa tin dưới nhiều hình thức: bản tin ngắn, bài viết dài kèm hình ảnh, các clip hình ảnh thực hoặc được sáng tác, nội dung phong phú và có sức hấp dẫn rất lớn đối với người xem và nghe. Ở Việt Nam, phổ biến nhất vẫn là Facebook, Tiktok, Youtube. Chúng ta không thể phủ nhận những ưu điểm trong việc truyền tải thông tin đến người xem… Với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức Nhà nước vào các trang mạng xã hội, có thể nói, việc Đảng viên tham gia vào các mạng xã hội là điều tất yếu, là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, cũng như tiếp tục tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Việc Đảng viên tham gia mạng xã hội là tất yếu và cần thiết, nhất là các Đảng viên trẻ là bởi:

Thứ nhất, việc tham gia mạng xã hội của đảng viên là không bị cấm theo quy định 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, trừ trường hợp đảng viên công tác ở các đơn vị đặc thù có quy định hạn chế hoặc cấm sử dụng mạng xã hội.

Thứ hai, mạng xã hội dần dần được xác định là một trong số các công cụ đưa tin, truyền thông của tổ chức, cơ quan nhà nước, báo chí cách mạng. Do đó, việc Đảng viên tham gia các mạng xã hội, tiếp cận các thông tin qua các kênh này cũng là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, phù hợp với xu hướng thông tin bên cạnh các nguồn tin truyền thống như báo in, tạp chí, kênh radio hay truyền hình.

Thứ ba, tham gia mạng xã hội giúp đảng viên có thể nhận diện, phản bác các luận điểm sai trái, các nội dung xuyên tạc. Tuyên truyền tấm gương, hình ảnh đẹp của cán bộ đảng viên, gương người tốt việc tốt, những cử chỉ hành vi đẹp của mọi tầng lớp nhân dân. Kịp thời phát hiện, báo cáo tổ chức các nguy cơ lộ, lọt thông tin bí mật, chưa được phép công bố.

Bên cạnh đó, tham gia tích cực mạng xã hội cũng có nhiều nguy cơ, có thể gây các tác động xấu đến đảng viên và người dùng nói chung. Mặt trái của mạng xã hội là tin tức không được kiểm chứng, thông tin đa dạng nhưng nhìn chung không chính thống. Vì thế, đảng viên đặc biệt là một số Đảng viên trẻ rất dễ chịu ảnh hưởng với các nguồn tin chất lượng thấp, không đáng tin cậy, xuyên tạc sự thật, do đó, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, phân tích đánh giá mức độ tin cậy và tính chính xác của thông tin trước khi có các hành động trên mạng xã hội; Đảng viên dễ bị lợi dụng khi chia sẻ, bày tỏ quan tâm đến các vụ việc có tính thời sự tức thời, phức tạp, các mâu thuẫn xã hội, thậm chí trong nhiều trường hợp là thông tin bịa đặt. Khi người dùng thực hiện chia sẻ nội dung trên, vô tình tiếp tay cho hành vi lan truyền thông tin sai sự thật. Không những thế, hình ảnh đảng viên hoặc những người có ảnh hưởng thường bị lợi dụng để tuyên truyền sai sự thật. Với việc Đảng viên có mặt tại các sự kiện hoặc tham gia tương tác, bình luận các nội dung thường được ngầm hiểu là có thái độ ủng hộ; Đảng viên có lập trường tư tưởng không vững vàng, thái độ chính trị không rõ ràng rất dễ bị thuyết phục, từ đây tự chuyển biến, tự chuyển hóa. Đây là điểm nguy hiểm nhất của việc Đảng viên tham gia mạng xã hội. Khi phải thường xuyên tiếp xúc với các thông tin tiêu cực, các nội dung không đúng sự thật, nhưng được lặp lại quá nhiều lần hoặc được phần đông người dùng tương tác, chúng ta thường có xu hướng tin là thật, từ đây, dẫn đến việc dần dần mất đi ý chí đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái…

Từ những phân tích trên đây, tác giả cho rằng việc Đảng viên tham gia vào các trang mạng xã hội là điều tất yếu, nếu không muốn nói là cần thiết. Vì vậy, cần phải có nhận thức đúng đắn và rút ra những kinh nghiệm sâu sắc cho các Đảng viên trẻ khi tham gia mạng xã hội, bao gồm ít nhất những nội dung sau đây:

- Cần tin yêu và mạnh dạn giao nhiệm vụ cho thanh niên. Tin tưởng và yêu thương lớp người trẻ tuổi là yếu tố quan trọng để họ tiếp nối sự nghiệp cách mạng của cha anh. Sự tin yêu ấy được thể hiện bằng hành động là đào tạo và giao nhiệm vụ. Sự quan tâm của Đảng đối với lớp trẻ là yếu tố quyết định đến thành công của cách mạng.

- Đảng viên trẻ cần phát huy ưu thế của công nghệ số nhằm tiếp tục nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới, tiếp tục nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ, từ đó tiếp tục xây dựng và tổ chức lực lượng, nhất là phát huy vai trò của trí thức trẻ trong tiên phong, xung kích bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

-  Trang bị tư duy phản biện, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên, cả tuyên truyền viên trên mạng để đủ sức tranh luận, mạnh dạn lên tiếng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

-  Giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử cần được ưu tiên khi xác định các giải pháp xây dựng Đảng. Đây cũng là cách mà nhiều đơn vị đã làm, nhất là trong bối cảnh phải đấu tranh trước các luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc trên nhiều kênh thông tin hiện nay.

- Phải thận trọng, nhưng cần hướng tới các tương tác tích cực (like, chia sẻ) với các nội dung phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nội dung phản ánh những sự việc tốt đẹp, những hình ảnh, hành động đẹp của cán bộ, đảng viên, người dân trong cuộc sống hàng ngày, trong những sự kiện thiên tai, dịch bệnh, trong công sở, bệnh viện, trường học,… qua đó lan tỏa và làm cho các nội dung tích cực có cơ hội đến với số đông người dùng.

- Không chia sẻ, đăng tải lại, bình luận những nội dung, tin tức chưa được kiểm chứng, không dẫn nguồn hoặc nguồn không đáng tin cậy.

- Báo cáo tổ chức, cơ quan đơn vị trong trường hợp phát hiện những bài viết, nội dung có liên quan đến tổ chức, cơ quan đơn vị mà mình đang công tác, sinh hoạt để có biện pháp theo dõi, phòng chống tác hại của thông tin.

Như vậy, có thể đi đến kết luận rằng, với những thay đổi liên tục trong thế giới số và xu hướng toàn cầu hóa, mạng xã hội cũng cần được xem như một công cụ truyền thông mà Đảng có thể dùng như một phương thức tiếp cận với lượng người dùng đông đảo nhằm truyền tải một cách phù hợp các nội dung có lựa chọn, đồng thời, thông qua việc tham gia và tương tác trên mạng xã hội, Đảng viên trẻ phải kịp thời nắm bắt được thông tin để chủ động phân tích, đánh giá và có hành xử phù hợp để phục vụ tốt hơn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng./.

Tài liệu tham khảo:

1.         Bộ chính trị (2018), Nghị quyết số 35 - NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

2.         Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XIII).

Lê Thị Phương Thảo - Phạm Ngọc Dũng

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra