Thành phố Hồ Chí Minh:

Vì sao ông Tất Thành Cang bị khởi tố?

Thứ tư, 16/12/2020 23:07
(ThanhtraVietnam) - Chiều 16/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét nơi ở của ông Tất Thành Cang, Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP HCM, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM.

Ông Cang bị điều tra về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Theo cơ quan điều tra, ông Cang có sai phạm liên quan đến việc phát hành, bán 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược - Công ty Nguyễn Kim tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn SADECO. Ngoài ông Cang, có tổng cộng 20 bị can cũng bị điều tra liên quan đến vụ việc này.

Cụ thể, Công ty SADECO có vốn góp của các cổ đông nhà nước gồm: Công ty IPC, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận (công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy TP HCM và các tổ chức khác.

leftcenterrightdel
Ông Tất Thành Cang 

Bên cạnh đó, SADECO có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Năm 2017, từ đề xuất tăng vốn, SADECO đã bán 9 triệu cổ phiếu của mình cho đối tác chiến lược Nguyễn Kim để thu về 360 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này được SADECO gửi ngân hàng lấy lãi.

Quá trình tăng vốn, bán cổ phiếu có vai trò của nhóm đại diện, quản lý vốn nhà nước tại SADECO.

Năm 2018, Thanh tra TP HCM đã có kết luận chỉ ra rằng thời điểm phát hành cổ phiếu SADECO chưa thực sự có nhu cầu cần thiết tăng vốn. Việc bán với giá 40 nghìn đồng/cổ phiếu có khả năng gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho SADECO dẫn đến thiệt hại vốn nhà nước.

Ngoài ra, ông Cang cũng bị cho có liên quan đến các sai phạm về quản lý đất đai tại dự án xây dựng 4 tuyến đường chính tại khu đô thị Thủ Thiêm, Quận 2 trong thời gian làm Giám đốc Sở GTVT TP HCM.

Ông Tất Thành Cang, 49 tuổi, quê Long An, từng là Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM từ năm 2016 đến 2018.

Cũng trong ngày 16-12, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Diệp Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co.op).

Theo cơ quan điều tra, trong quá trình xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm theo Kết luận của Thanh tra TP HCM về việc chấp hành quy định pháp luật tại Saigon Co.op, ngày 16-12, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét nơi ở, nơi làm việc với ông Diệp Dũng về tội “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam.

Quá trình khám xét, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP HCM thu giữ một số tài liệu phục vụ công tác điều tra. Các quyết định, lệnh của cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát nhân dân TP HCM phê chuẩn.

Liên quan sai phạm của ông Diệp Dũng, ngày 27/7 Thanh tra TP HCM đã công bố Kết luận thanh tra về các sai phạm tại Saigon Co.op.

leftcenterrightdel
Ông Diệp Dũng 

Theo Kết luận thanh tra, Saigon Co.op là tổ chức kinh tế, hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Ban chấp hành Đảng bộ Saigon Co.op trực thuộc Thành ủy. Bí thư, chủ tịch HĐQT Saigon Co.op được Thành ủy giới thiệu để đại hội thành viên của Saigon Co.op bầu.

Tháng 8-2015, ông Diệp Dũng được bầu làm chủ tịch HĐQT của Saigon Co.op. Vốn của Saigon Co.op do Nhà nước hỗ trợ và vốn góp của HTX thành viên.

Theo Thanh tra TP HCM, đến cuối năm 2019, vốn hình thành từ lợi nhuận tích lũy (lợi nhuận không chia) của Saigon Co.op gần 3.200 tỉ đồng. Đầu năm 2020, Saigon Co.op quyết định tăng vốn điều lệ lên gần 6.800 tỉ đồng (tăng hơn gấp đôi). Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu bất thường trong việc tăng vốn từ các HTX thành viên.

Cụ thể, HTX thương mại dịch vụ Linh Tây báo lỗ gần 49 triệu đồng nhưng số vốn góp đến hơn 950 tỉ đồng, HTX thương mại Đô Thành lỗ hơn 721 triệu đồng nhưng góp gần 250 tỉ đồng, HTX thương mại Thị Nghè lỗ hơn 163 triệu đồng nhưng góp gần 245 tỉ đồng...

Thanh tra TP xác định có 20/26 HTX thành viên có góp vốn nhưng không HTX nào cung cấp được cho đoàn thanh tra các hồ sơ góp vốn.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op được duy trì ổn định qua các năm, dao động từ 800 - 1.500 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận tại Saigon Co.op đạt đến 26 - 39% trên vốn góp.

Theo Thanh tra TP, có nhiều cá nhân, tổ chức bên ngoài, không phải là xã viên HTX thành viên nhưng "núp bóng" để đưa vốn vào Saigon Co.op.

Trong khi theo quy định về phương thức huy động vốn (tại nghị quyết đại hội thành viên bất thường lần 1 năm 2020) thì vốn huy động từ các HTX thành viên không được từ nguồn đi vay hoặc từ nguồn vốn của đối thủ cạnh tranh.

Thanh tra cho rằng HĐQT Saigon Co.op đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn trong việc kiểm tra nguồn vốn huy động từ các HTX thành viên.

Kết luận của thanh tra chỉ rõ việc tăng vốn điều lệ tại Saigon Co.op không đúng quy định pháp luật, có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung; có dấu hiệu phạm pháp hình sự.

Đình Thuyết

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra