Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển hàng đầu khu vực Châu Á

Thứ ba, 29/11/2022 11:32
(ThanhtraVietnam) - Nghị quyết của Trung ương yêu cầu đến năm 2030 Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP.
leftcenterrightdel
 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 17/11/2022.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm đến 2030, GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao.

Về chỉ tiêu cụ thể đến 2030, Trung ương nêu rõ tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD; Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới.

Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn ...

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới.

Tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%; đạt khoảng 260 sinh viên trên một vạn dân.

Thuộc nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỉ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.

Giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỉ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14 - 15% GDP.

Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

Xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.

Xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Hoàn thành xây dựng chính phủ số, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN; chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) đạt trên 55. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

Trung ương cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á.

Để thực hiện các mục tiêu này, Trung ương yêu cầu nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp về đền bù, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất phục vụ cho các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng.

Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường

Xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make In Vietnam 2045) theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải cácbon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn …

Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn: Công nghiệp sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiến từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học); công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá; công nghiệp văn hoá...

Bên cạnh đó, hoàn thiện các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư; có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút FDI từ các đối tác thuộc các nước phát triển.

Có giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Trung ương nhấn mạnh cần ưu tiên phát triển một số công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia và vùng về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng, hạ tầng số, các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục của vùng.

Mục tiêu phát triển hệ thống đường bộ cao tốc đạt mục tiêu 5.000 km vào năm 2030 cũng được Trung ương nhấn mạnh. Cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm; tập trung cải tạo, nâng cấp để tiếp tục khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác…

Ngoài ra, Trung ương khuyến khích phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, nhất là tại các đô thị, vùng đô thị có mật độ dân số cao.

Liên quan đến chính sách tài chính, Trung ương yêu cầu đa dạng hoá các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước. Đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường tài chính, tiền tệ đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng vốn có hiệu quả; phát triển thị trường chứng khoán bền vững, trở thành kênh huy động quan trọng vốn trung và dài hạn cho thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá./.

BTV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra