Kỷ niệm 153 năm ngày sinh V.I.Lênin - Nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới (22/4/1870 - 22/4/2023)

V.I.Lênin với tầm nhìn đổi mới và sáng tạo

Thứ sáu, 21/04/2023 15:00
(ThanhtraVietNam) - Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” (1). Tầm nhìn đổi mới và sáng tạo của V.I.Lênin thể hiện rõ nhất là Người chỉ đường cho nhân loại xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực. Việc này bắt đầu từ sự thắng lợi của một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và sau đó là sự thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa với mục tiêu xóa bỏ chế độ người bóc lột người.

Dưới chế độ Nga hoàng, Nhân dân lao động ở Nga có một đời sống hết sức cơ cực. Trong bài “Gửi nông dân nghèo” được viết năm 1903, V.I.Lênin (1870-1924) khẳng định phương sách duy nhất để làm cho Nhân dân lao động hết cùng khổ, là thay đổi từ dưới lên trên, chế độ hiện nay trên toàn quốc và lập chế độ xã hội chủ nghĩa.

leftcenterrightdel
V.I.Lênin và Nhân dân lao động của nước Nga Xô viết. Ảnh minh họa. 

Đầu thế kỷ XX, nước Nga đã chuyển lên giai đoạn chủ nghĩa đế quốc nhưng lại mang nhiều tàn tích của chế độ phong kiến. Về nông nghiệp, 30 nghìn địa chủ chiếm 70 triệu đề-xi-a-tin (1 đề-xi-a-tin = 1,09 ha) và bản thân Nga hoàng và gia đình, họ hàng chiếm đến 7 triệu đề-xi-a-tin. Trong khi đó, nông dân Nga chiếm 4/5 dân số nhưng 65% số hộ ở nông thôn là bần nông, không có ruộng đất. Họ bị Nga hoàng và bọn địa chủ bóc lột nặng nề và tàn bạo. Về công nghiệp, vào năm 1913, dù là một đất nước chiếm 1/6 diện tích thế giới nhưng tổng sản lượng công nghiệp của nước Nga chỉ chiếm 4% tổng sản lượng công nghiệp thế giới và đứng thứ năm trên thế giới, sau các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức. Hầu như tất cả các ngành công nghiệp chủ yếu của Nga nằm trong tay tư bản nước ngoài và ngay từ năm 1890 tư bản nước ngoài chiếm tới 47% vốn đầu tư ở Nga. Công nhân ở Nga chiếm 10% dân số, năm 1913 là 12 triệu, trong đó 3,1 triệu là công nhân đại công nghiệp nhưng bị giới chủ bóc lột nặng nề nên đời sống hết sức cực khổ.

Ngày 7/11/1917, Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga thắng lợi. V.I.Lênin nhấn mạnh cuộc cách mạng này đã “mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa” (2).

Ngày 8/11/1917, V.I.Lênin được Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ II bầu làm Chủ tịch Hội đồng Dân ủy nước Nga Xô viết. Ngày 10/1/1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần III đã thông qua “Tuyên ngôn về quyền lợi Nhân dân lao động và bị bóc lột” khẳng định nước Nga là một nước xã hội chủ nghĩa với mục tiêu xóa bỏ chế độ người bóc lột người.

Đối với giai cấp công nhân và nền công nghiệp, vào ngày 14/11/1917, V.I.Lênin đã ký vào bản “Điều lệ về chế độ kiểm soát của công nhân”. Theo đó, công nhân được quyền kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất trên mọi lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp đến giao thông, vận tải và xí nghiệp, hợp tác. Vào ngày 28/6/1918, Sắc lệnh quốc hữu hóa toàn bộ nền đại công nghiệp được ban hành. Tới đầu tháng 9/1918 đã có hơn 3000 xí nghiệp công nghiệp được quốc hữu hóa. Trong “Sáng kiến vĩ đại” được viết năm 1919, V.I.Lênin nhận định: “Chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là năng suất lao động cao hơn (so với năng suất lao động dưới chế độ tư bản) của những công nhân tự nguyện tự giác, liên hợp với nhau, sử dụng kỹ thuật hiện đại” (3).

Một vấn đề quan trọng nữa là nông thôn, nông dân và nông nghiệp. V.I.Lênin nhận định: “Vì muốn cải thiện đời sống của công nhân thì phải có bánh mỳ và nhiên liệu..., chỉ có thể tăng thêm sản xuất và thu hoạch lúa mì, tăng thêm dự trữ và vận tải nhiên liệu bằng cách cải thiện đời sống của nông dân, bằng cách nâng cao lực lượng sản xuất của họ. Phải bắt đầu từ nông dân” (4). Do đó, từ mùa xuân năm 1918, nước Nga Xô viết đã bắt đầu thực thi “Sắc lệnh ruộng đất”. Nông dân đã nhận được (không phải trả tiền) hơn 150 triệu ha ruộng đất từ gia đình Nga hoàng và giai cấp địa chủ, được xóa 3 tỷ rúp tiền nợ ngân hàng. Từ đó, trung nông phát triển từ 20% lên đến 60% và ngày càng tin tưởng vào cách mạng. V.I.Lênin đánh giá: “Đến mùa hạ và mùa thu 1918, Cách mạng tháng Mười của thành thị mới trở thành Cách mạng tháng Mười thật sự ở nông thôn” (5).

Coi trọng việc nâng cao năng suất lao động, V.I.Lênin khẳng định: “Xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ mới… Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn và sẽ bị đánh bại hẳn vì chủ nghĩa xã hội tạo ra năng suất lao động mới cao hơn nhiều” (6). Trong “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết” được viết năm 1918, V.I.Lênin cho rằng phải nâng cao trình độ học vấn và văn hóa cho quần chúng Nhân dân; nâng cao tinh thần kỷ luật, kỹ năng lao động, tính khéo léo của người lao động. Bên cạnh đó, V.I.Lênin nhấn mạnh về việc thi đua trong lao động và sản xuất. Trong bài “Tổ chức thi đua như thế nào” được viết năm 1918, V.I.Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội không những không dập tắt thi đua, mà trái lại, lần đầu tiên, đã tạo ra khả nǎng áp dụng thi đua một cách thật sự rộng rãi, với một quy mô thật sự to lớn, tạo ra khả năng thu hút thật sự đa số Nhân dân lao động vào vũ đài hoạt động khiến họ có thể tỏ rõ bản lĩnh, dốc hết năng lực của mình, phát hiện những tài năng Nhân dân sẵn có cả một nguồn vô tận, những tài năng mà chủ nghĩa tư bản đã giày xéo, đè nén, bóp nghẹt mất hàng nghìn hàng triệu. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay, khi chính phủ xã hội chủ nghĩa đang cầm quyền, là phải tổ chức thi đua” (7).

Năm 1920, Hội đồng Dân ủy nước Nga Xô viết quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia Điện khí hóa toàn Nga (GOELRO). V.I.Lênin khi đó đã đưa ra một khẳng định nổi tiếng: “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc... Chỉ khi nào nước ta đã điện khí hóa, chỉ khi nào công nghiệp, nông nghiệp và vận tải đã đứng vững trên cơ sở kỹ thuật của đại công nghiệp hiện đại, thì lúc đó, chúng ta mới có thể đạt được thắng lợi hoàn toàn” (8). V.I.Lênin cũng khẳng định: “Cơ sở vật chất duy nhất của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nông nghiệp” (9). Theo V.I.Lênin: “Việc đặt nền móng cho sự thực hiện kế hoạch điện khí hóa vĩ đại là cái sẽ cho phép chúng ta khôi phục nền đại công nghiệp và ngành vận tải trên một quy mô và một cơ sở kỹ thuật khiến có thể hoàn toàn và vĩnh viễn chiến thắng nạn đói kém, cảnh nghèo cùng” (10).

Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của V.I.Lênin, nước Nga Xô viết là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Nước Nga Xô viết cũng đã quy định số giờ làm việc là 8 tiếng mỗi ngày cũng như nhiều phúc lợi xã hội khác cho Nhân dân lao động.

Để nhanh chóng khôi phục kinh tế sau Nội chiến và can thiệp của 14 nước tư bản chủ nghĩa, tại Đại hội Đảng Cộng sản (Bolshevik) Nga lần thứ X (1921), V.I.Lênin đề ra “Chính sách kinh tế mới” (NEP) để thay thế “Chính sách cộng sản thời chiến” đã không còn phù hợp. Với nông nghiệp, nhà nước thay thế việc trung thu lương thực bằng việc đóng thuế lương thực. Sau khi nộp thuế, nông dân có toàn quyền mang lương thực dư thừa trao đổi trên thị trường. Với công nghiệp, trả lại cho chủ cũ những xí nghiệp nhỏ đã bị nhà nước tịch thu trước đó. Cho phép các nhà tư bản trong nước và nước ngoài mở các nhà máy và xí nghiệp. Với thương nghiệp, tư nhân được tự do buôn bán, trao đổi. Với tài chính tiền tệ, mở lại Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó là việc cải cách tiền lương, ban hành chế độ tiền thưởng. “Từ nước Nga của Chính sách Kinh tế mới sẽ nảy sinh nước Nga xã hội chủ nghĩa” (11) - V.I.Lênin nhận định. Kết quả, ngay trong năm 1921, vụ thuế lương thực đầu tiên đạt 90%. Từ năm 1922, thành thị đã có đủ lương thực - thực phẩm. Năng suất lao động tăng 33% kể từ tháng 9/1925. Đời sống nông dân, công nhân được cải thiện. Qua phân phối thu nhập quốc dân những năm 1925 - 1926 cho thấy 82% thu nhập quốc dân thuộc công nhân, nông dân. 

Đến năm 1922, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) được thành lập. V.I.Lênin được bầu làm Chủ tịch Hội đồng dân ủy Liên Xô. Đánh giá về V.I.Lênin, Alexandra Kolontai (1872-1952), nhà ngoại giao nổi tiếng của Liên Xô đã khẳng định: “Có những cá nhân - hiếm thấy trong lịch sử loài người - là sản phẩm của một chuyển biến lớn lao đã chín muồi, đã tô đẹp cho cả một thời đại. Trong số những người vĩ đại về tinh thần và ý chí đó là Vladimir Ilyich Lenin... Như ở một tiêu điểm, Người đã tập hợp vào trong mình tất cả những cái gì của Cách mạng là nghị lực, là hùng mạnh, không ủy mị trong phá bỏ cái cũ và rất kiên quyết trong xây dựng cái mới” (12).

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2011, tr. 289;

(2) V.I. Lênin: Toàn tập, tập 44, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.184-185;

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, tập 39, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 25;

(4) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 43, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 262;

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, tập 37, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva,1977, tr. 37;

(6) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 39, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 25;

(7) V.I. Lênin: Toàn tập, tập 35, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006,  tr. 234;

(8) V.I. Lênin: Toàn tập, tập 26, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980,  tr. 57;

(9) V.I. Lênin: Toàn tập, tập 44, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva , 1978, tr. 11;

(10) V.I.Lênin: Toàn tập, tập 43, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 266;

(11) V.I. Lênin: Toàn tập, tập 44, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 358;

(12) Dẫn theo Ths. Trần Hà Uyên, “Học tập và noi theo tấm gương của V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 22/4/2011.

Nguyễn Văn Toàn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra