Hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới” diễn ra vào ngày 15/01, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết Hội thảo là diễn đàn khoa học quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý tiếp tục công bố, trao đổi những kết quả nghiên cứu mới, góp phần làm rõ, làm sâu sắc hơn nữa những vấn đề lý luận và thực tiễn; xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước; đồng thời, Hội thảo là hoạt động rất có ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025).
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, quá trình chuẩn bị Hội thảo đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 84 tham luận, và hôm nay, được đón tiếp hơn 200 đại biểu tham dự. Đây là minh chứng sinh động, rõ nét, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng văn hóa trong Đảng và ý nghĩa thiết thực của Hội thảo.
|
|
Toàn cảnh Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới” |
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong 95 năm kể từ khi Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể thấy rõ, vào những thời điểm khó khăn hay những bước ngoặt mang tính quyết định của cách mạng, văn hóa trong Đảng đã được khẳng định và phát huy cao độ, góp phần quan trọng vào những thắng lợi lịch sử, đưa đất nước vững bước phát triển đi lên. Thực tiễn lịch sử đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu.
Đó là bài học về sự kiên định kế thừa, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam; bài học về sự kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, củng cố vững chắc sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, hòa quyện giữa “ý Đảng - lòng Dân”, huy động sự tham gia, đóng góp của toàn dân trong xây dựng văn hóa trong Đảng; bài học về nâng cao năng lực, phẩm chất văn hóa của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên; bài học về bảo vệ nền tảng tư tưởng và những giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, “xây” đi đôi với “chống”, khẳng định, cổ vũ, động viên, nhân lên những giá trị tốt đẹp, đồng thời kiên quyết đấu tranh loại trừ cái xấu, các ác, cái tiêu cực, gây hại đến sự phát triển của văn hóa trong Đảng…
Chúng ta đang ở vào thời điểm có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh và tương lai dân tộc, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, khởi đầu từ Đại hội XIV của Đảng. Những bài học lịch sử sâu sắc, những kết quả quan trọng đã đạt được cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa trong Đảng sẽ là cơ sở, tiền đề, là nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi vẻ vang.
Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy Đảng các cấp trong triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng
Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần phải thực hiện như sau:
Trước hết, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền toàn diện và sâu sắc hơn nữa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về các giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và của Đảng; về vị trí, vai trò, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa trong Đảng trong giai đoạn mới. Quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Xác định rõ, xây dựng văn hóa trong Đảng là sự nghiệp của Đảng, là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên; có ý nghĩa căn bản, cấp thiết, cần phải được triển khai đồng bộ, khoa học, thường xuyên, liên tục. Gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng văn hóa trong Đảng với tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đảng viên về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, lối sống.
|
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương |
Tiếp đó, cần tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chị thỉ, kết luận, văn bản của Đảng liên quan đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng. Thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng và thực hành phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân của đảng viên. Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, nhất là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy Đảng các cấp trong triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng. Thu hút sự tham gia, đóng góp hiệu quả hơn nữa của Nhân dân, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong công tác xây dựng văn hóa trong Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng, gắn với đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật,… tổ chức Đảng, đảng viên, tạo bước chuyển căn bản trong ý thức tự giác và trách nhiệm của từng tổ chức Đảng, đảng viên trong xây dựng, thực hành các giá trị văn hóa trong Đảng.
Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị văn hóa trong Đảng, về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng. Kịp thời biểu dương những mô hình tốt, cách làm hay và phê phán những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc trong triển khai nhiệm vụ. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tuyên truyền hiệu quả hơn nữa, góp phần phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng, của từng đảng viên, luôn đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao, dũng cảm và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, tập trung tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bôi nhọ các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng, kiên quyết, kiên trì tiến công, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Đi cùng với tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước, đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại. Gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và kinh tế; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và các đảng chính trị trên thế giới về xây dựng văn hóa chính trị để chắt lọc, ứng dụng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.