Tin vui: Đã mở được đầu ra cho sản phẩm Thạch cao nhân tạo làm phụ gia xi măng chế biến từ bã thải của Công ty DAP - Vinachem

Thứ năm, 29/07/2021 09:58

Trong những năm qua, dư luận xã hội rất quan tâm và thường xuyên đặt nhiều câu hỏi với đống chất thải thạch cao PG của nhà máy sản xuất phân bón DAP Hải Phòng. Vấn đề mà nhân dân và chính quyền quan tâm, cũng là nỗi niềm trăn trở của cán bộ lãnh đạo Công ty từ khi mới đi vào hoạt động. 

Câu chuyện xử lý thế nào đã được bản thân Nhà máy và các cấp Chính quyền, các nhà chuyên môn đặc biệt quan tâm ngay từ khi nhà máy mới đi vào hoạt động. Nhưng để chế biến thành sản phẩm hữu ích cho xã hội và đặc biệt là phải tìm được đầu ra cho sản phẩm sau chế biến mới là giải pháp bền vững, phù hợp với chiến lược lâu dài hướng đến nền kinh tế xanh tuần hoàn.

Nỗ lực nghiên cứu và sự đầu tư của doanh nghiệp trong vấn đề xử lý chất thải trở thành sản phẩm hữu ích với xã hội:

Việc xử lý, tái chế bã thải thạch cao không phải là vấn đề mới ở trên thế giới, nhưng lại xuất hiện lần đầu ở Việt Nam. Theo quyết định số 626/QĐ-TTg ngày 29/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ V/v Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Diamoni Phosphat tại Hải Phòng, trong đó có nêu giải pháp chế biến bã thải thạch cao PG làm phụ gia xi măng và vật liệu xây dựng.

Ông Kiều Văn Mát - người được trao tặng Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam - VIFOTEC năm 2008, sau khi thành công trong việc chế biến tro bay của nhà máy nhiệt điện Phả Lại làm vật liệu xây dựng. Từ năm 2010, khi nhà máy DAP Đình Vũ mới bắt đầu đi vào hoạt động, Ông và lãnh đạo của Công ty DAP - Vinachem đã đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc để đi đến các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... để tìm tòi, học hỏi công nghệ tái chế bã thải thạch cao PG. Đồng thời đã đặt vấn đề nhập khẩu đồng bộ dây chuyền chế biến của nước ngoài, nhưng do đặc thù với mỗi loại nguyên liệu quặng Apatit đầu vào cho sản xuất DAP khác nhau, thì công nghệ tái chế bã thạch cao lại khác nhau. Nên không thể copy hoàn toàn, dây chuyền chế biến thạch cao sẵn có trên thế giới về Việt Nam.

Năm 2010, Công ty Công ty DAP - Vinachem phối hợp với Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường và một số cổ đông, đã thành lập Công ty cổ phần Thạch Cao Đình Vũ, với mục đích để xây dựng nhà máy chế biến thạch cao nhân tạo làm phụ gia xi măng, thay thế cho thạch cao nhập khẩu.

leftcenterrightdel
 

Sau khi thành lập, trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2016, Công ty đã nỗ lực tìm tòi, vừa chạy thử vừa hiệu chỉnh, thậm chí thay đi, đổi lại công nghệ và thiết bị, để tìm cách giảm giá thành sản phẩm sau chế biến cạnh tranh được với thạch cao nhập khẩu. Có những lúc khó khăn tưởng chừng như phải bỏ cuộc, do phải bù lỗ quá nhiều. Nhưng với sự tâm huyết và trách nhiệm, cộng với sự hỗ trợ tích cực của các nhà khoa học, sau nhiều lần hiệu chỉnh về công nghệ và thiết bị, đến năm 2017 dây chuyền tái chế bã thạch cao đã được hoàn thiện và đi vào vận hành đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật. Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 11833: 2017 thạch cao PG dùng để sản xuất xi măng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm thạch cao nhân tạo chế biến từ chất thải là vô cùng khó khăn, do phải chịu sự cạnh tranh áp đảo của sản phẩm thạch cao tự nhiên nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, lượng thạch cao tiêu thụ rất hạn chế, mỗi năm chỉ tiêu thụ được khoảng 160.000 - 200.000 tấn, chỉ bằng 30% công suất thiết kế 750.000 tấn/năm dây chuyền chế biến của Công ty Thạch cao Đình Vũ.

Bước sang đầu năm 2021, tin vui đã đến khi sản phẩm thạch cao nhân tạo sau chế biến đã tăng mạnh:

Tình hình bắt đầu có những chuyển biến tích cực, mang tính thay đổi cục diện bắt đầu từ những tháng đầu năm 2021. Sau nhiều năm kiên trì giới thiệu sản phẩm thạch cao sau chế biến đạt chất lượng đến các nhà máy xi măng. Quá trình đưa phối liệu và đánh giá trong thời gian dài của các nhà sản xuất xi măng, cộng với những thay đổi tích cực từ thị trường, khi giá thạch cao nhập khẩu tăng do tăng giá cước vận tải quốc tế, đã dẫn đến sản lượng tiêu thụ thạch cao có những bước tăng vọt đáng mừng.

leftcenterrightdel
 

Từ tháng 3/2021 đến nay sản lượng tiêu thụ thạch cao đến các nhà máy xi măng đã tăng mạnh, mỗi tháng tiêu thụ được từ 30.000 - 35.000 tấn, lượng thạch cao chế biến và tiêu thụ cơ bản là cân bằng với lượng thạch cao PG phát sinh trong quá trình sản xuất của Công ty DAP.

Việc tăng được sản lượng tiêu thụ thạch cao là tin vui với các đơn vị sản xuất phân bón DAP trong nước; một mặt vừa tốt hơn cho công tác bảo vệ môi trường như đã nêu trong Quyết định số 626/QĐ-TTg ngày 29/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ, mặt khác vừa đáp ứng tiêu chí nền kinh tế xanh, tuần hoàn trong thời kỳ hiện nay.

Sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ ngành:

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón hóa chất để sản xuất VLXD; Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 V/v phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón và mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 V/v Đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro xỉ, thạch cao.

Ngay từ khi Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ mới đi vào hoạt động, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 91/QĐ-BKHCN ngày 20/1/2016 V/v phê duyệt cho Công ty được chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia cho đề tài: Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết kế chế tạo dây chuyền xử lý phosphogypsum (PG) của nhà máy DAP Đình Vũ làm phụ gia cho xi măng và làm nguyên liệu để sản xuất tấm thạch" Tổng kinh phí thực hiện đề tài là 100,716 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 19,97 tỷ đồng.         

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các giải pháp, phương án xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao làm vật liệu xây dựng, tạo điều kiện để các ngành sản xuất điện, hóa chất phát triển bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được chủ trương trên của Chính phủ, rất cần có sự chia sẻ, ủng hộ tích cực của các đơn vị sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng trong nước.

Đây là mong muốn có cơ sở, vì nhu cầu thạch cao tại Việt Nam là rất lớn, mỗi năm nước ta phải bỏ ra một khoản ngoại tệ không nhỏ, để nhập khẩu từ 3,5 - 4 triệu tấn thạch cao từ nước ngoài (Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Oman...) nhằm phục vụ cho ngành sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng. Nhưng đến nay, việc tiêu thụ sản phẩm thạch cao nhân tạo vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, rất cần có sự quan tâm ủng hộ hơn nữa về mặt cơ chế, chính sách đối với các sản phẩm tái chế từ chất thải. Cụ thể, Công ty cổ phần DAP - Vinachem đã có một số kiến nghị như sau:

- Kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành hỗ trợ về cơ chế, chính sách, chỉ đạo các nhà máy xi măng tích cực sử dụng thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu thạch cao tự nhiên từ nước ngoài.

- Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giảm thuế VAT đối với thạch cao nhân tạo sản xuất từ bã thải góp phần bảo vệ môi trường về 0% và tăng thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%.

- Đề nghị Bộ Công thương có ý kiến với Bộ Xây dựng về việc sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc văn bản hướng dẫn sử dụng thạch cao PG làm vật liệu san nền, để có căn cứ pháp lý cho các đơn vị sử dụng, để gia tăng thêm các giải pháp tiêu thụ bã thải thạch cao nhằm tiến tới giảm lượng tồn trữ tại bãi chứa./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra