VATM: Bản lĩnh, sáng tạo, tiên phong để phát triển bền vững

Thứ hai, 22/11/2021 16:12

Nỗ lực phấn đấu không ngừng

Cách đây 28 năm trong bối cảnh đất nước bắt đầu bước vào hội nhập, ngành Hàng không tiếp tục được cơ cấu, kiện toàn, ngày 20/04/1993, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký ban hành Quyết định số 746/QĐ/TCCB-LĐ về việc chuyển đổi tổ chức Công ty Quản lý bay Hàng không dân dụng Việt Nam thành Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (nay là Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam). Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Tổng Công ty.

VATM đã được Nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam giao trọng trách tham gia chương trình giành lại quyền điều hành bay Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Đây là cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ, trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, quốc phòng,... kéo dài từ năm 1975, sau khi thống nhất đất nước đến tháng 12/1994. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chính thức giao cho Việt Nam quyền điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh từ 7h00 ngày 08/12/1994.

Sự kiện này đã trở thành mốc son trong lịch sử phát triển của ngành Hàng không dân dụng nói chung và ngành Quản lý bay nói riêng trên các phương diện chính trị, kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng an ninh. Thắng lợi to lớn đó đã mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế về quản lý không lưu, cung cấp kịp thời, đầy đủ các dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay đi, đến và bay quá cảnh trong vùng trời trách nhiệm được giao.

Kể từ khi tiếp nhận FIR HCM đến nay, VATM đã đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích rộng trên 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải rộng tại 28 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường bay trong nước và 36 đường bay quốc tế, trong đó có 02 đường bay nằm trong số 10 đường bay có mật độ bay cao nhất thế giới, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm, 28 năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã bảo đảm điều hành bay an toàn cho hơn 10 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. VATM là đơn vị dẫn đầu ngành Hàng không dân dụng về năng suất, chất lượng và hiệu quả: Tổng thu điều hành bay đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN đạt trên 30 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.

28 năm qua, cùng với đà phát triển của đất nước, hoạt động hàng không trong nước và khu vực liên tục tăng trưởng, để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý điều hành bay, Tổng công ty đã luôn chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, tạo ra sự thay đổi đột phá trong công nghệ quản lý điều hành bay và đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn bay của các hãng Hàng không trong nước và quốc tế.

Các cơ sở điều hành bay của Tổng công ty trải dài khắp 03 miền Bắc - Trung - Nam, với 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài, 4 Trung tâm Kiểm soát tiếp cận, 22 đài kiểm soát tại sân được đầu tư nâng cấp với quy mô và công năng hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; Các hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát được đầu tư mới với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Tổng công ty đã triển khai đồng bộ, hàng loạt các giải pháp như tổ chức phân chia lại vùng trời, mở thêm đường bay thẳng, đường bay song song trục Bắc - Nam, áp dụng các phương thức điều hành bay mới dựa trên công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng lực điều hành bay, tăng khả năng thông qua vùng trời, đặc biệt góp phần giảm tình trạng ách tắc tại các sân bay lớn có mật độ bay cao.

Cùng với đó, Tổng công ty cũng tích cực đào tạo phát triển nguồn nhân lực để tiếp thu kiến thức công nghệ kỹ thuật mới. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những yếu tố, động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Quản lý bay nói riêng, ngành Hàng không dân dụng nói chung theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành Hàng không. Do sự sụt giảm nghiêm trọng về hoạt động khai thác của các hãng hàng không dẫn đến sự sụt giảm lớn về các kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Trong bối cảnh như vậy, Tổng công ty đã tập trung nguồn lực triển khai các biện pháp quyết liệt giảm thiểu tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động, đồng thời phòng ngừa mọi nguy cơ lây nhiễm từ yếu tố bên ngoài đến các lực lượng lao động, đặc biệt là lực lượng trong dây chuyền cung cấp dịch vụ của Tổng công ty, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn, thông suốt. Tổng công ty đã nhanh chóng, kịp thời xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó đại dịch tại các cơ sở bảo đảm hoạt động bay. Các lực lượng trong dây chuyền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay bao gồm kiểm soát viên không lưu, kỹ thuật, khí tượng, thông báo tin tức hàng không... được bố trí thành các nhóm trực chốt 24/24 tại cơ sở cung cấp dịch vụ; đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về y tế trong việc xét nghiệm sàng lọc, khử trùng, khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế khi cần thiết.

Tổng công ty đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tiêm vắc xin phòng chống Covid cho CB-CNV trong đó ưu tiên cho các lực lượng trong dây chuyền cung cấp dịch vụ của Tổng công ty và lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch. Đến nay, trên 90% CB-NV đã tiêm mũi 1, trên 40% đã hoàn thành tiêm mũi 2. Tổng công ty đã vận động quyên góp ủng hộ trên 3 tỷ đồng cho “Quỹ vắc xin” của Chính Phủ.

Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, sẵn sàng các biện pháp phục hồi sau khủng hoảng, đảm bảo các hoạt động bay an toàn, Tổng công ty tiếp tục tăng cường đồng bộ nhiều giải pháp trong đề án nâng cao năng lực điều hành bay nhằm tiếp tục củng cố và xây dựng Tổng công ty thành nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra