Bà Rịa - Vũng Tàu: Cải cách hành chính để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp

Thứ hai, 27/11/2023 18:41
(ThanhtraVietnam) - Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác cải cách hành chính (CCHC) phải được tiến hành đồng bộ các giải pháp thực hiện và nâng cao hiệu quả thực chất giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Qua đó, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ghi nhận tại UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong thời gian 10 tháng năm 2023, có 495.353 hồ sơ hành chính đã giải quyết, trong đó có 483.677 hồ sơ đúng hạn, đạt 97,7%; tỷ lệ trễ hạn là 11.676 hồ sơ tương ứng 2,3%. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 96,7%. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị đều đã được cấp phát chữ ký số, chứng thư số. 100% DN trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử; kích hoạt được 378.990 tài khoản định danh điện tử (tỷ lệ 62%).

Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 10 tháng năm 2023, Đoàn Kiểm tra CCHC tỉnh đã tổ chức kiểm tra được 26 đơn vị theo kế hoạch. Đoàn kiểm tra công vụ tỉnh đã tiến hành kiểm tra công vụ đột xuất tại 2 đơn vị cấp sở và 13 đơn vị tại Bộ phận một cửa cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, Đoàn đã ghi nhận nhiều tồn tại, hạn chế tại các địa phương, đơn vị. Đơn cử, trong năm 2023, Đoàn kiểm tra CCHC tỉnh đã kiểm tra ngẫu nhiên 3/11 UBND cấp xã tại TP. Bà Rịa, đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như: Công tác niêm yết TTHC chưa đầy đủ; số hóa TTHC chưa bảo đảm; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến chưa theo chỉ tiêu của tỉnh; tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, người dân còn chậm trễ trên hệ thống phần mềm một cửa…

Giải trình về điều này, UBND TP. Bà Rịa cho biết, trong năm 2023, Đoàn Kiểm tra CCHC tỉnh kiểm tra 3 UBND cấp xã: xã Tân Hưng, Hòa Long và phường Phước Hiệp. Ngay sau đó, UBND TP. Bà Rịa đã chỉ đạo Đoàn Kiểm tra CCHC của thành phố tái kiểm tra về các nội dung Đoàn kiểm tra của tỉnh đã chỉ ra. Qua đó, UBND TP. Bà Rịa đã chỉ đạo, hướng dẫn, khắc phục những hạn chế và có giải pháp để UBND các xã, phường triển khai tốt công tác CCHC. Đến nay, 11/11 xã, phường đã hoàn thành trên 92% kế hoạch CCHC đề ra. Hồ sơ TTHC của người dân, DN nghiệp được thực hiện trên hệ thống trực tuyến đạt tỷ lệ 99,47% và giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ 99,42%. Bên cạnh đó, thực hiện công khai, niêm yết thực hiện các chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (CBCC) luôn kịp thời; đăng ký, kịch hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho CBCC và những người hoạt động không chuyên trách đạt tỷ lệ 100%.

leftcenterrightdel
Đoàn Kiểm tra CCHC tỉnh kiểm tra tại Bộ phận Một cửa UBND TX. Phú Mỹ. Ảnh: SNVBR-VT 

Còn tại UBND phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, Đoàn Kiểm tra CCHC tỉnh cũng chỉ ra tình trạng 2.656/4.557 hồ sơ trễ hạn. Theo ông Lê Thành Tâm, Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ cho biết tình trạng kể trên diễn ra trong quý I/2023. Tỷ lệ hồ trễ hạn do không kết thúc trên phần mềm là 18,4% tương đương 2.656 hồ sơ. Ngay sau đó, UBND phường Phú Mỹ đã tiến hành chấn chỉnh CBCC bộ phận một cửa và các bộ phận liên quan đồng thời yêu cầu khắc phục. Qua đó, đến hết tháng 10/2023, tại phường đã giải quyết 14.333 hồ sơ và tỷ lệ trễ hạn giảm xuống còn 8,76%. 

Để tăng cường các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới, UBND tỉnh đề ra một loạt giải pháp thực hiện đối với các sở, ban, ngành và UBND các cấp trên địa bàn:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa cải cách TTHC. Tập trung đẩy mạnh rà soát, mạnh dạn sửa đổi, bổ sung hoặc dứt khoát đề xuất các cấp có thẩm quyền bãi bỏ TTHC quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ, nhất là của người dân, doanh nghiệp tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành. Tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi công vụ các cấp, tăng cường giám sát kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết TTHC để giảm tầng nấc trung gian và nhanh chóng, kịp thời chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết qua nhiều cơ quan, đơn vị. Theo dõi sát, kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp.

Hai là, thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ TTHC theo quy định, 100% hồ sơ TTHC của các sở, ban, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và phải liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.

Ba là, thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của CBCC trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC, 100% UBND cấp xã triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; khẩn trương hoàn thành các cơ sở dữ liệu về số hoá kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực chưa được số hoá và lưu vào kho lưu trữ của tỉnh và kho cá nhân theo đúng tiến độ, đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông: trước ngày 15 tháng 12 năm 2023, hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia;

Nghiêm cấm việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo đúng quy định.

Bốn là, tập trung rà soát kỹ và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dân dùng làm trung tâm. Kiên quyết chưa đưa vào xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với TTHC hoặc nhóm TTHC liên thông chưa có phương án cấu trúc lại và đơn giản hóa quy trình hoặc không phát sinh hồ sơ trong ba năm gần nhất; rà soát, tạm dừng cung cấp và nhanh chóng đầu tư nâng cấp, hoàn thiện đối với dịch vụ công trực tuyến không đáp ứng được mức độ dịch vụ đã công bố, chưa thông suốt và đơn giản, thuận lợi, giảm thời gian, chi phí thực hiện hơn so với thực hiện trực tiếp hoặc qua bưu chính.

Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết TTHC cung cấp dịch vụ công. Thực hiện nghiêm việc báo cáo giải trình của người đứng đầu, xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ TTHC của cơ quan, đơn vị; thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. Định kỳ hàng tháng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công và danh sách TTHC, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; căn cứ kết quả đánh giá của Bộ chỉ số để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị CBCC.

Sáu là, thực hiện nghiêm công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, nhất là các nhóm thủ tục, dịch vụ công liên thông. Trong đó, các sở, ban, ngành phải khẩn trương rà soát, hoàn thành việc trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy trình nội bộ, trong đó xác định rõ thời hạn, trách nhiệm giải quyết trong từng bước, giai đoạn đối với các thủ tục hành chính liên thông giữa các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương trước ngày 01 tháng 12 năm 2023; chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để cấu hình quy trình điện tử vào Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; người đứng đầu thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, không rõ ràng dứt khoát, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Trên cơ sở Danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình do Bộ, ngành Trung ương công bố các sở, ban, ngành phải tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thống nhất trên địa bàn tỉnh.

Bảy là, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại Công văn số 6835/UBND-VP ngày 02/06/2023 về việc triển khai thực hiện công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung có liên quan triển khai Đề án 06, gửi Công an tỉnh tổng hợp. Công an tỉnh có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 25/12/2023.

Tám là, chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 8 Điều 7 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2021/NĐ- CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ).

Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí hàng năm cho việc triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC, chuyển đổi số, hoàn thành các mục tiêu theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Chín là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thành việc tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh (thời gian trình vào kỳ họp đầu năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh) Nghị quyết quy định mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (thời hạn áp dụng đến hết năm 2025) để khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, trong 10 tháng đầu năm nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh tại 30 văn bản quy phạm pháp luật. Lũy kế từ năm 2021 đến 31/10, các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 201 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh. Các bộ, ngành đã đơn giản hóa 437 thủ tục hành chính trong 1.086 thủ tục hành chính (đạt 40%). Về vị trí việc làm, đến nay đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành. 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.


BTV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra