Bài toán nước sạch trước thực trạng ô nhiễm sông Cầu:

Bắc Kạn “lơ thơ”, Bắc Ninh ô nhiễm, Bắc Giang mất an toàn

Thứ sáu, 28/06/2024 08:56
(ThanhtraVietNam) - Phát nguyên từ rừng sâu, núi cao Bắc Kạn, sông Cầu chảy qua sáu tỉnh cung cấp hàng trăm triệu mét khối nước mỗi năm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp quanh lưu vực. Thế nhưng, khi qua Bắc Ninh, dòng sông “nước chảy lơ thơ” này có lúc, có nơi bị nhuộm đen, bốc mùi hôi thối, chất lượng nước suy giảm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn, cấp nước bền vững cho Bắc Giang.

Lưu vực sông Cầu có chiều dài khoảng 288 km, thuộc địa giới 6 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương.

Sông Cầu cũng là nơi tiếp nhận các nguồn thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt trên lưu vực.

Cùng với nước thải sinh hoạt của người dân, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp, khu công nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp, cả công khai lẫn âm thầm xả trộm vào khiến chất lượng nước con sông này ngày càng suy giảm, thậm chí có lúc, có nơi bị ô nhiễm nặng.

Cách đây 18 năm, ngày 28/7/2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu” (sau đây gọi tắt là Đề án bảo vệ sông Cầu) với quan điểm chỉ đạo là “giữ gìn chất lượng nước đi đôi với việc bảo đảm đủ khối lượng nước” để đến năm 2020 đưa “sông Cầu trở lại trong sạch”, bảo đảm cân bằng nước phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Sau đó, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu được thành lập để chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện Đề án bảo vệ sông Cầu. Chức vụ Chủ tịch Ủy ban này được chuyển giao luân phiên cho Chủ tịch UBND từng tỉnh nhằm phát huy vai trò của từng địa phương trong nỗ lực bảo vệ môi trường đối với toàn lưu vực.

Từ năm 2016, Bộ Tài nguyên và môi trường đã cùng tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh xác định nguyên nhân ô nhiễm môi trường tại sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê có ba nhóm chính thuộc về nước thải, chất thải rắn và nhận thức, cụ thể:

Một là, nước thải không được xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải nhưng xả trực tiếp ra ngoài môi trường. Công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật về môi trường còn rất yếu kém, hầu hết nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, dân cư đều chưa được xử lý thải thẳng ra các lưu vực sông. Việc điều tiết nước sông tại một số khu vực địa bàn liên tỉnh tại còn chưa hợp lý, làm gia tăng mức độ ô nhiễm.

Hai là, chất thải rắn sinh hoạt nhiều nơi trên lưu vực chưa được thu gom, xử lý đúng quy định, đặc biệt tại các làng nghề, khu vực dân cư tập trung, thải trực tiếp vào sông.

Ba là, nhận thức của một số người dân, doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường chưa cao; sự tham gia vào cuộc các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa mạnh mẽ, quyết liệt.

Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án bảo vệ sông Cầu tổ chức vào tháng 12/2020, Bộ Tài nguyên và môi trường công bố, lưu vực sông Cầu có hơn 4 nghìn nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh, cụm, khu công nghiệp, làng nghề, bệnh viện, riêng tỉnh Bắc Ninh có gần 1 nghìn nguồn và nước thải từ làng nghề là một trong những tác nhân chính gây suy giảm chất lượng môi trường nước mặt.

Sông Cầu đoạn chảy qua Bắc Ninh, Bắc Giang, phần lớn các điểm quan trắc có các thông số vượt  QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại A2, thậm chí vượt loại B1; các thông số COD. BOD5, NO2-, NH4+ có xu hướng tăng; tình trạng ô nhiễm chứa hợp chất chứa ni tơ diễn ra phổ biến trên toàn đoạn sông, đặc biệt từ điểm Hòa Long (điểm tiếp nhận nguồn nước ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê ở Bắc Ninh); giá trị NO2- từ năm 2010 đến 2019 trên toàn bộ các điểm quan trắc đoan sông vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại A2 và B1 từ 1,0 đến 6,9 lần; giá trị NH4+ dao động từ <0,01 đến 0,87 mg/L, vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại A2 cao nhất 2,9 lần.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh ngoài cửa xả nước thải sau xử lý của khu công nghiệp này sẽ hòa vào sông Cầu. Ảnh: PVBT

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, qua hơn 14 năm thực hiện Đề án bảo vệ sông Cầu, tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Cầu vẫn diễn biến phức tạp; các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một bộ phận lãnh đạo các cấp chính quyền còn chưa cao, còn nặng ưu tiên phát triển kinh tế mà xem nhẹ các yêu cầu về bảo vệ môi trường và thật đáng buồn là công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương vẫn còn các hạn chế…

Mục tiêu đến năm 2020 đưa “sông Cầu trở lại trong sạch” như nhiệm vụ nêu tại Đề án bảo vệ sông Cầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dường như đã không đạt?!

Trả lời kiến nghị của cử tri ngày 01/12/2023, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh thừa nhận, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội diễn ra khá nhanh, tốc độ đô thị hóa cao, cùng với sự mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước mặt lưu vực sông Cầu và sông Ngũ Huyện Khê.

Gần đây, câu chuyện sông Cầu ô nhiễm cũng đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội. Tại phiên chất vấn diễn ra tháng 11/2023, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường làm rõ những giải pháp cải thiện tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm, đáp ứng mong mỏi cử tri và Nhân dân.

Khi đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an rà soát, kiểm tra các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đã xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định, tăng cường quan trắc ở hệ thống thủy lợi và đề nghị các tỉnh có quy hoạch di chuyển làng nghề, có các khu thu gom, xử lý nguồn thải để xử lý được dứt điểm.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường cùng 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã nhiều lần làm việc, khảo sát thực tế, thậm chí chỉ đạo tiến hành nhiều cuộc thanh, kiểm tra liên quan đến vấn đề ô nhiễm sông Cầu.

Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả triển khai kế hoạch thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường định kỳ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các chỉ tiêu đánh giá chất lượng nước nguồn sông Cầu đều vượt quá ngưỡng cho phép so với quy định trong tiêu chuẩn QCVN 08:2015/BTNMT/A2: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, Cột A2-Dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt” nguồn nước trong tình trạng bị ô nhiễm nặng.

Tại hội nghị thông tin báo chí tình hình kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ và giải pháp quý II/2024 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức, vấn đề ô nhiễm môi trường trên sông Cầu tiếp tục được đưa ra.

Theo đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang tái khẳng định, ô nhiễm sông Cầu ngày càng nghiêm trọng và gây bức xúc dư luận nhiều địa phương trong suốt thời gian qua.

Thế nhưng, chưa thấy công bố cho công luận biết về các định hướng, giải pháp khắc phục cụ thể, hiệu quả nào nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước trên sông Cầu!?

Tạp chí Thanh tra tiến hành khảo sát tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về nguồn nước mặt sông Cầu; hệ lụy của ô nhiễm nguồn nước; công tác thanh tra, kiểm tra...nhằm góp phần cùng các tổ chức, cá nhân liên quan chung tay xây dựng, thực hiện các giải pháp tạo nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp./.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra