Bộ Công an tập huấn chuyển giao vụ việc dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra

Thứ sáu, 11/10/2024 14:05
(ThanhtraVietNam) - Quy định, kỹ năng xử lý tố giác, tin báo tội phạm và chuyển giao vụ việc có dấu hiệu tội phạm, kiến nghị khởi tố được phát hiện qua thanh tra đến Cơ quan điều tra được Báo cáo viên của Bộ Công an chia sẻ cho hàng trăm công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành.

Giải pháp ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng của Bộ Công an

Lấy ý kiến quy trình thanh tra chuyên ngành Công an nhân dân

Thanh tra Bộ Công an chung sức khắc phục hậu quả bão lũ tại Lào Cai

Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật Thanh tra quy định, Cơ quan thanh tra giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan công an, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan, tổ chức có liên quan, người có thẩm quyền trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 80 Luật Thanh tra quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, trong đó tại điểm p khoản 1 quy định người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn: Chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan cùng với văn bản kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 68 của Luật này.

Cùng với trách nhiệm chuyển hồ sơ và kiến nghị khởi tố của cơ quan thanh tra, Luật Thanh tra quy định về trách nhiệm của cơ quan điều tra tại Điều 111 như sau: Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận văn bản kiến nghị khởi tố và hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tài liệu có liên quan do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển đến để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Đặc biệt, Điều 59 của Nghị định số 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kết quả kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra đã quy định: Căn cứ báo cáo kết quả kiểm tra, người ra quyết định thanh tra kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại việc kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; chuyển tin báo tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố vụ án hình sự sang Cơ quan điều tra nếu quá trình kiểm tra phát hiện dấu hiệu tội phạm của các cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra cho biết, từ ngày 10/12/2018 đến hết ngày 31/7/2023, số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được cơ quan thanh tra chuyển cho Cơ quan điều tra là 911 vụ việc.

Ngày 11/10/2024, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tập huấn công tác xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; công tác chuyển giao vụ việc có dấu hiệu tội phạm và kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra cho Cơ quan điều tra các cấp.

Báo cáo viên đến từ Văn phòng Cơ quan điều tra Bộ Công an đã trình bày 3 chuyên đề:

Một là, hoạt động tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo chức năng thanh tra của các bộ, ngành;

Hai là, nhận thức về dấu hiệu tội phạm qua công tác thanh tra;

Ba là, phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra.

Các công chức, viên chức của các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành tham gia tập huấn đã nghiên cứu, trao đổi về chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan thanh tra trong việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra sang Cơ quan điều tra và nội dung liên quan đến các chuyên đề do Báo cáo viên cung cấp thông tin.

Một số hình ảnh ghi nhận tại Hội nghị tập huấn:

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng Trần Minh Tiến - Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khai mạc tập huấn. Ảnh: Thái Minh
leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra trình bày chuyên đề. Ảnh: Thái Minh
leftcenterrightdel
 Đại diện Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường trao đổi. Ảnh: Thái Minh
leftcenterrightdel
 Hơn 400 công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành tham gia tập huấn. Ảnh: Thái Minh
Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra