Bộ Tài chính chủ động bãi bỏ quy trình thanh tra tài chính không còn phù hợp

Thứ sáu, 15/03/2024 09:45
(ThanhtraVietNam) - Sau khi bãi bỏ 9 quyết định ban hành quy trình công tác thanh tra tài chính bằng 1 quyết định vào tháng 6/2023, mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục bãi bỏ 2 quy trình về thanh tra, kiểm tra, xử lý sau thanh tra tài chính không còn phù hợp thực tế bằng Thông tư.

11 quy trình được ban hành bằng quyết định của Bộ trưởng

Từ năm 2006 đến 2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký một số quyết định ban hành quy trình về công tác thanh tra tài chính, cụ thể:

Ngày 8/11/2006, ban hành Quy trình thanh tra tài chính bằng Quyết định số 64/2006/QĐ-BTC và ngày 15/5/2007 ban hành Quy trình xử lý sau thanh tra, kiểm tra tài chính bằng Quyết định số 33/2007/QĐ-BTC theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2013, tiếp tục ban hành thêm 9 quyết định gồm:

(1) Quyết định số 1348/QĐ-BTC ngày 2/6/2011 ban hành Quy trình thanh tra nội bộ đối với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

(2) Quyết định số 1602/QĐ-BTC ngày 5/7/2011 ban hành Quy trình thanh tra tài chính đối với dự án đầu tư xây dựng;

(3) Quyết định số 1692/QĐ-BTC ngày 18/7/2011 ban hành Quy trình thanh tra tài chính tại các cơ quan Hành chính;

(4) Quyết định số 2126/QĐ-BTC ngày 1/9/2011 ban hành Quy trình thanh tra giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá và nhà nước thực hiện bình ổn giá;

(5) Quyết định số 2440/QĐ-BTC ngày 17/10/2011 ban hành Quy trình thanh tra ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

(6) Quyết định số 3113/QĐ-BTC ngày 23/12/2011 ban hành Quy trình thanh tra tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập;

(7) Quyết định số 3140/QĐ-BTC ngày 27/12/2011 ban hành Quy trình thanh tra tài chính tại các doanh nghiệp;

(8) Quyết định số 72/QĐ-BTC ngày 10/1/2013 ban hành Quy trình thanh tra các Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước;

(9) Quyết định số 46/QĐ-BTC ngày 7/1/2013 ban hành Quy trình thanh tra ngân sách huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các Quyết định từ năm 2011 đến năm 2013 là văn bản hành chính theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

leftcenterrightdel

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường triển khai quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Ảnh: PV

Thực hiện theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ

Năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện hơn 78 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra hơn 748 nghìn hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 1.124 hồ sơ kiểm tra sau thông quan; kiến nghị xử lý tài chính hơn 107 nghìn tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp hơn 47 nghìn tỷ đồng, xử lý tài chính khác gần 55 nghìn tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 5 nghìn tỷ đồng); đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ 17.270 tỷ đồng.

Ngày 01/10/2021, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư số 07/2021/TT-TTCP quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra, ban hành và công khai Kết luận thanh tra được áp dụng đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người được giao nắm tình hình, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư của Thanh tra Chính phủ có phạm vi áp dụng trên cả nước và có giá trị pháp lý cao hơn các Quyết định nói trên.

Ngày 21/6/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1317/QĐ-BTC bãi bỏ một số Quyết định ban hành quy trình về công tác thanh tra tài chính, bao gồm 7 quyết định ban hành từ năm 2011 và 2 quyết định từ năm 2013.

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, hiện nay, quy trình công tác thanh tra được cơ quan này thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ…

Trước đây, khi rà soát, Thanh tra Bộ nhận thấy, các quy trình thanh tra tài chính của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành từ năm 2013 trở về trước không còn phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ ban hành đã hết hiệu lực và một số nội dung trong quy trình không phù hợp với thực tế, không còn cần thiết.

Quyết định số 64/2006/QĐ-BTC ngày 08/11/2006; Quyết định số 33/2007/QĐ-BTC ngày 15/5/2007 cũng cần bãi bỏ.

Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Ban hành quy phạm pháp luật năm 2015 cần phải ban hành Thông tư của Bộ Tài chính để bãi bỏ 02 Quyết định này.

Năm 2023, Thanh tra Bộ đã triển khai xây dựng dự thảo Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy trình về công tác thanh tra tài chính.

Thông tư số 46/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc bãi bỏ các quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy trình về công tác thanh tra tài chính sẽ có hiệu lực từ ngày 25/4/2024.

Như vậy, toàn bộ Quyết định số 64/2006/QĐ-BTC ngày 8/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy trình thanh tra tài chính và Quyết định số 33/2007/QĐ-BTC ngày 15/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy trình xử lý sau thanh tra, kiểm tra tài chính sẽ được bãi bỏ từ ngày 25/4/2024.

Được biết, bám sát quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và trên cơ sở chắt lọc nội dung tại các quy trình thanh tra tài chính đã áp dụng trước đây, bổ sung kinh nghiệm, kết quả thanh tra từ năm 2015, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành xây dựng Sổ tay nghiệp vụ thanh tra theo từng lĩnh vực chủ yếu để hướng dẫn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, sử dụng trong hoạt động nội bộ.

Ngày 29/11/2022, căn cứ Luật Thanh tra, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư số 06/2021/TT-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã ban hành một Quy chế quy định về tổ chức, hoạt động Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ; trách nhiệm của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Thủ trưởng các vụ, cục chủ trì cuộc thanh tra, Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị có liên quan, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra trong tổ chức, hoạt động thanh tra; việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan để áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra