Các mặt công tác ngành Thanh tra được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả

Thứ năm, 21/09/2023 17:01
(ThanhtraVietNam) - Những nội dung về lĩnh vực thanh tra tại Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý là việc hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra (sửa đổi, bổ sung); khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; hoàn thành việc nhập dữ liệu 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp; đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Đối với lĩnh vực thanh tra, Quốc hội yêu cầu triển khai thực hiện Luật Thanh tra (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật. Tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo. Đề cao trách nhiệm, đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra; phối hợp để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Số cuộc thanh tra chậm ban hành kết luận cơ bản được khắc phục

Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 75/2022/QH15 cho thấy, ngay sau khi Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thanh tra Chính phủ đã ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện cũng như các Kế hoạch xây dựng thể chế và các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, các đề án được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023. Đồng thời, ban hành và triển khai Kế hoạch sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.

Định hướng chương trình công tác thanh tra, Kế hoạch thanh tra hằng năm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, các bộ, ngành, địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm. Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước và các cơ quan thanh tra để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Để khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thanh tra, Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 22/7/2022 của Ban Cán sự Đảng và Quy chế hoạt động Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Đến nay, số cuộc thanh tra chậm ban hành kết luận thanh tra cơ bản được khắc phục.

Đáng chú ý, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76-NQ/BCS ngày 06/6/2023 nhằm tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của công chức Thanh tra Chính phủ trong hoạt động thanh tra. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vi phạm; bảo đảm 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển cơ quan điều tra; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét, xử lý theo quy định của Đảng.

Trong hơn một năm qua, Thanh tra Chính phủ đã triển khai nghiêm túc các cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra tăng tỷ lệ thu hồi về tiền và tài sản, nhất là các kết luận thanh tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện Đề án 153 “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ.

Hoàn thành việc nhập dữ liệu 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, hoàn thành việc nhập dữ liệu 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương; tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục công dân trở về địa phương để được tiếp và giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo các hoạt động tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương diễn ra thường xuyên, liên tục, kịp thời xử lý các tình huống phức tạp phát sinh.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết ngành Thanh tra năm 2022. (Ảnh: NT) 

Tiếp tục thực hiện kế hoạch về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; nắm tình hình công dân khiếu kiện, nhất là các địa phương có đoàn đông người khiếu kiện, phức tạp tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng”.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Công an xác định các vụ việc khiếu nại, tố cáo tại các địa phương liên quan và nội dung cụ thể cần thanh tra, thống nhất biện pháp xử lý và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành việc xây dựng Mô hình tiếp công dân trực tuyến và tổ chức thực hiện thí điểm đối với một số địa phương trong thời gian tới. Tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

5 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực

Theo báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Kết quả, đã tổ chức 213.954 lớp cho 13.669.414 lượt cán bộ, Nhân dân tham gia; xuất bản 4.089.666 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; ban hành mới 39.114 văn bản để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung 1.231 văn bản, bãi bỏ là 647 văn bản không phù hợp.

Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng, chống tham nhũng được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 34.389 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 780 đơn vị vi phạm.

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 30.080 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 6.790 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 15.177 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 865 vụ việc vi phạm, 1.374 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 972,3 tỷ đồng.

Đồng thời, tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 122.319 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 111.430 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập: 1.306.075 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; có 25.858 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 5 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập là 12.219 cơ quan, tổ chức, đơn vị.    

Như vậy, thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảm bảo chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng Định hướng, chương trình, kế hoạch được phê duyệt.
Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra