Thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi của Phú Thọ:

Chủ thương hiệu bê tông "Sông Hồng" - Công ty Thượng Long mắc loạt vi phạm

Thứ hai, 20/05/2024 16:31
(ThanhtraVietNam) - Một phần nhờ quy định công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung nên sản phẩm gạch, bê tông mang thương hiệu “Sông Hồng” của Công ty Thượng Long đã "có chỗ đứng" trên thị trường. Phát hiện loạt vi phạm về đất đai, đầu tư, đê điều, môi trường của doanh ngiệp này, Thanh tra tỉnh Phú Thọ đã đề nghị xử phạt.

Phú Thọ làm gì để “tránh gây thất thoát” liên quan số tiền hơn 30 tỷ đồng?

Thanh tra Bộ Công an kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra tại Công an tỉnh Phú Thọ

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại Phú Thọ

Phát hiện 5 hành vi vi phạm...

Ngày 14/5/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, đầu tư, phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều và bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Thượng Long tại xã Phượng Lâu, TP Việt Trì.

Theo đó, cơ quan chức năng xác định, Công ty Thượng Long đã thực hiện 5 hành vi vi phạm gồm:

Một là, sử dụng đất nông nghiệp không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

Hai là, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp mà không đủ điều kiện quy định của Luật Đất đai;

Ba là, tự ý thực hiện đầu tư dự án trước khi đươc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư;

Bốn là, tự ý lấn, chiếm đất hành lang công trình kè, đất phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông để xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị, làm bãi tập kết vật liệu xây dựng xâm phạm công trình kè và bảo vệ đê điều;

Năm là, không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Trước đó, vào tháng 7/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành, UBND TP Việt Trì từng lập Biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Thượng Long.

Ngày 25/4/2024, Thanh tra tỉnh Phú Thọ lập Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm đối với  doanh nghiệp này.

Ngay sau đó, ngày 26/4/2024, Thanh tra tỉnh Phú Thọ có báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xử lý vụ việc.

leftcenterrightdel
Trạm trộn bê tông của Công ty Thượng Long nằm sát mép sông. Ảnh: Hồ sơ năng lực Công ty

...Nhưng chỉ phạt tiền mức trung bình 3 hành vi


Theo Thông tư 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng, kể từ ngày 01/02/2018, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ như sau: (1) TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sử dụng 100%; (2) Các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ, vùng Đông Nam bộ sử dụng tối thiểu từ 70 đến 90%; (3) Các tỉnh còn tối thiểu từ 50 đến 70%.

Công ty Thượng Long tự giới thiệu “có chỗ đứng” trên thị trường trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp bê tông thương phẩm, gạch không nung thương hiệu “Sông Hồng” và là nhà cung cấp hàng đầu trong tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và vùng lân cận.

Phải chăng vì “có chỗ đứng” và áp lực phải vận hành nhiều cơ sở đáp ứng nhu cầu không nhỏ của các công trình xây dựng, trong đó có công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở Phú Thọ và lân cận đã khiến công ty này vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, đê điều, môi trường hay vì lý do nào khác?

Theo Quyết định xử phạt số 889/QĐ-XPHC do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trong Tấn ký, Công ty Cổ phần Thượng Long do ông Lê Hải Nam làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc làm đại diện theo pháp luật bị phạt số tiền 188 triệu đồng.

Số tiền phạt này được tổng hợp từ mức trung bình của khung tiền phạt đối với 3 hành vi đầu đã liệt kê ở trên.

Riêng hành vi thứ 4 và thứ 5 không xử phạt tiền vì hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, các biện pháp khắc phục hậu quả vẫn được đưa ra như sau:

Thứ nhất, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;

Thứ hai, buộc hoàn tất thủ tục để có văn bản chấp thuận cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án;

Thứ ba, buộc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư;

Thứ tư, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm xây dựng nhà làm việc, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều;

Thứ năm, buộc di dời dự án đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Yêu cầu công khai tình hình, kết quả xử lý

Liên quan đến hành vi không thể phạt tiền vì hết thời hiệu nêu trên, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhiều lần có văn bản đề nghị xử lý, tăng cường xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Cụ thể, ngày 10/4/2023, Cục Đê điều và phòng chống thiên tai ban hành Thông báo về kết quả thực hiện kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều, công tác tu bổ, nâng cấp đê và công tác quản lý đê điều năm 2023.

Đến ngày 12/4/2023, Bộ NN&PTNT có văn bản số 2286/BNN-TL gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Sau khi nhận được văn bản của Bộ NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải đã giao Sở NN & PTNT chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND cấp huyện…thực hiện các giải pháp xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đề nghị của Bộ NN & PTNT.

Theo đó, các đơn vị được yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phân loại, đánh giá và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi.

Kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều, thủy lợi gây bức xúc trong nhân dân.

Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng được yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đê điều, thủy lợi; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã phối hợp đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm; ngăn chặn không để phát sinh mới, xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng; tổ chức cưỡng chế các hành vi vi phạm…

“Công khai tình hình và kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin truyền thông” là yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ khi đó.

Gần đây nhất, ngày 29/3/2024, Bộ NN&PTNT lại có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc tăng cường xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Tạp chí Thanh tra tiếp tục tìm hiểu việc triển khai công tác này của các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ./.

Minh Bạch

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra