Cục Thuế Khánh Hòa cần báo cáo tỉnh xử lý tồn tại nào?

Thứ ba, 26/03/2024 15:04
(ThanhtraVietNam) - Hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2022, nhưng việc chấp hành các quy định trong thanh tra, kiểm tra; quản lý, sử dụng, quyết toán các nguồn kinh phí; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa còn hạn chế. Tương tự như kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với dự án của Tập đoàn Phúc Sơn tại đây, Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo thực hiện các thủ tục xác định giá đất làm cơ sở ban hành thông báo thu tiền thuê đất, sử dụng đất.

Giải quyết khiếu nại đúng quy định

Tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là nhiệm vụ của Cục Thuế tỉnh.

Số liệu thống kê thời điểm 31/12/2022 cho thấy, Cục Thuế tỉnh có tổng số 50.352 người nộp thuế đang kinh doanh, trong đó có 14.092 doanh nghiệp, tổ chức và 36.260 hộ cá thể.

Thanh tra hành chính tại Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra Bộ Tài chính ghi nhận tổ chức trực thuộc Tổng cục Thuế này đã đảm bảo hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022; công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ bản đúng quy định.

Theo đó, tổng thu nội địa đạt 129,8% dự toán năm, tổng thu trừ tiền sử dụng đất đạt 130,6% dự toán năm, có 16/18 khoản thu hoàn thành vượt dự toán; đã triển khai xây dựng kế hoạch, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên và thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng theo quy định; đã bố trí phòng tiếp; niêm yết công khai nội quy, lịch tiếp; mở sổ theo dõi công tác tiếp công dân theo quy định.

Việc phân loại, xử lý đơn phù hợp quy định tại Thông tư của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Qua kiểm tra 2 hồ sơ, Đoàn thanh tra nhận thấy, việc thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định.

Còn tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, Đoàn thanh tra cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, thiếu sót đối với việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; công tác thanh tra, kiểm tra; việc quản lý, sử dụng, quyết toán các nguồn kinh phí; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cụ thể, có 2 khoản thu không đạt dự toán là:

(1) Thu từ khu vực doanh nghiệp trung ương thực hiện 427,722 tỉ đồng (đạt 98,3% dự toán và bằng 86,1% so với cùng kỳ năm trước).

(2) Thuế Bảo vệ môi trường thực hiện 694,121 tỉ đồng (đạt 70,8% dự toán và bằng 76,1% so với cùng kỳ).

Nguyên nhân thu không đạt dự toán được lý giải lần lượt do việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết của Chính phủ và thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, nhiên liệu bay.

Chọn mẫu 20 hồ sơ thanh tra và 30 hồ sơ kiểm tra, Đoàn thanh tra nhận thấy, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra đã thực hiện các bước theo quy trình thanh tra thuế ban hành bởi Tổng cục Thuế nhưng chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư 06/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ; việc ghi nhật ký trên ứng dụng nhật ký thanh tra, kiểm tra còn tồn tại; có 19 hồ sơ kiểm tra không gửi cho Phòng Kê khai và Kế toán; có 14 hồ sơ không có bàn giao theo quy định.

Kiểm tra một số nội dung chi cụ thể cho thấy, Cục Thuế quyết toán chi thanh toán tiền lương tăng thêm, chi bổ sung thu nhập, chi tiền thưởng và phúc lợi đảm bảo khung định mức quy định của Tổng cục Thuế.

Cục Thuế đã ban hành Quy chế quản lý tài chính, Quy chế chi tiêu và một số định mức chi nội bộ, tuy nhiên, quy định chi phúc lợi tập thể từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên còn chưa phù hợp với nội dung chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể được quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.

Tuy không phát hiện trường hợp cán bộ, công chức, người lao động có hành vi lãng phí, nhưng qua thanh tra thấy còn một số tồn tại như: Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đưa ra các chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính; chưa phân công rõ người chịu trách nhiệm từng khâu công việc và chưa thực hiện ban hành Quy chế chỉ đạo, phối hợp công tác giữa tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể trong cơ quan theo quy định của Tổng cục Thuế; ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chậm so với quy định; Kế hoạch kiểm tra nội bộ năm 2022 đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc chưa xây dựng và không tiến hành kiểm tra việc xây dựng, thực hiện Chương trình đối với các đơn vị này theo Chương trình của Tổng cục Thuế và của chính Cục Thuế.

leftcenterrightdel
4 Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa gồm: Chi cục TP Nha Trang và 3 Chi cục khu vực Bắc, Tây, Nam Khánh Hòa . Ảnh: NT 

Đáng chú ý, qua kiểm tra việc quản lý kê khai, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; công tác quản lý thu tiền sử dụng đất, thuê đất; quản lý nợ thuế, Đoàn thanh tra phát hiện một số vi phạm tại doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng, thanh lý tài sản; quản lý đầu tư xây dựng; công tác quản lý cán bộ, công chức như sử dụng lao động, quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác vẫn còn tồn tại.

Báo cáo để UBND tỉnh chỉ đạo

Kết luận thanh tra nêu rõ, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tăng cường công tác xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước đảm bảo tính khả thi, tránh để sót nguồn thu hoặc lập dự toán không sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế dẫn đến việc nhiều khoản thu vượt dự toán quá cao và không đạt dự toán.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; có biện pháp xử lý khắc phục những tồn tại về trình tự, thủ tục thực hiện thanh tra, kiểm tra.

Ba là, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bốn là, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại đã nêu.

Năm là, báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các sở ngành liên quan thực hiện các thủ tục xác định giá đất làm cơ sở ban hành thông báo thu tiền thuê đất, sử dụng đất đối với thửa đất đã có quyết định giao đất nhưng chưa phê duyệt giá, chưa có thông tin địa chính và các thửa đất sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm; chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xác định thông tin địa chính để xác định tiền thuê đất đối với thửa đất hết thời kỳ ổn định, đang sử dụng nhưng hết thời hạn cho thuê đất…


Liên quan đến dự án kinh doanh bất động sản, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo rà soát các dự án, công trình do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư, thi công trên địa bàn. Xác định rõ Phúc Sơn có tiếp tục đầu tư, thi công các dự án dang dở hay không, những khó khăn vướng mắc và đề xuất phương án xử lý trước ngày 30/3/2024. Phúc Sơn là doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Hậu (biệt danh Hậu “pháo” ) làm Chủ tịch HĐQT đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội danh “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” vào tháng 2/2024 cùng một số đồng phạm.

Trước đó, tại Kết luận thanh tra số 129/KL-TTCP, về việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại Khu vực sân bay Nha Trang, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của địa phương, doanh nghiệp và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa xác định lại giá đất liên quan dự án do Phúc Sơn làm nhà đầu tư, nếu có vướng mắc cần xin hướng dẫn của Bộ Tài chính.


Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra