Thời gian qua, nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị trong ngành Ngân hàng đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao, trong đó chú trọng đến công tác thanh tra chuyên ngành nhằm bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của hệ thống ngân hàng, sự đa dạng của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và tiến trình chuyển đổi số của nền kinh tế, của hệ thống ngân hàng, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, công tác thanh tra ngân hàng luôn đứng trước đòi hỏi phải không ngừng đổi mới phương pháp, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ.
Năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra các TCTD luôn được chú trọng, tăng cường nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại, sai phạm, góp phần quan trọng bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD.
Dạng vi phạm trong hoạt động của TCTD được phát hiện qua thanh tra tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, hoạt động quản trị, điều hành; kiểm soát, kiểm toán nội bộ;
Hai là, hoạt động cấp tín dụng;
Ba là, vi phạm trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp;
Bốn là, vi phạm trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền;
Năm là, vi phạm về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, hạch toán lãi phải thu; vi phạm trong việc huy động vốn, an toàn kho quỹ…
Do đó, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, cảnh báo, yêu cầu tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát các hành vi vi phạm làm phát sinh nợ xấu, kiểm soát nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.
|
|
Quyền Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng Lại Hữu Phước. Ảnh: Minh Nguyệt |
Ông Lại Hữu Phước - Quyền Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý thị trường vàng, trong năm 2024, Cơ quan TTGSNH đã chủ trì đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng, chế độ kế toán, lập và sử dụng hoá đơn, chứng từ; kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế...và kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra ngân hàng đã được triển khai thông suốt từ cấp trung ương tới địa phương. Cơ quan TTGSNH phát huy vai trò là đơn vị đầu mối trong công tác thanh tra ngân hàng toàn hệ thống, đầu mối triển khai Kế hoạch thanh tra, hướng dẫn Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc thực hiện nghiệp vụ thanh tra và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra.
Cùng với công tác thanh tra, trong năm 2024, Cơ quan TTGSNH cũng đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ về công tác giám sát; cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; phòng, chống rửa tiền.
Đặc biệt, công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đã đạt được một số kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
Đó là, tích cực chỉ đạo các TCTD triển khai phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, theo đó các NHTM nhà nước và NHTM cổ phần đã tăng cường công tác quản trị, điều hành; nâng cao năng lực tài chính, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; đẩy mạnh cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, ưu tiên phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tập trung chỉ đạo xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc của các ngân hàng mua bắt buộc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, NHNN đã ban hành Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại Dương và đã trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Dầu khí toàn cầu và Ngân hàng Đông Á; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tình hình hoạt động của Ngân hàng Sài Gòn và triển khai các giải pháp hỗ trợ ngân hàng này từng bước phục hồi hoạt động./.