Đẩy mạnh giám sát, thẩm định để đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng thanh tra

Thứ sáu, 24/05/2024 07:00
(ThanhtraVietNam) - Một trong các nội dung đáng chú ý trong cụ thể hóa Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ được Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra thực hiện là nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ xây dựng các báo cáo nhất là báo cáo về giám sát, thẩm định dự thảo các kết luận thanh tra, các văn bản trả lời, báo cáo kiểm tra sau thanh tra và xác định chất lượng, thời gian của báo cáo là thước đo quan trọng để đánh giá, xếp loại chất lượng công chức.

Lan tỏa Nghị quyết 76 của Thanh tra Chính phủ ở Tuyên Quang

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra ngành Tài chính

Thời gian qua, các cơ quan thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào việc chấn chỉnh quản lý, phòng ngừa đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, việc phát hiện, kiến nghị, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn chậm, chưa kịp thời; một số cuộc thanh tra khó khăn trong việc làm rõ được hậu quả, thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên được xác định là do một số cơ quan thanh tra chưa quan tâm sát sao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra; trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong phát hiện, chuyển giao vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự có lúc chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, ăn khớp.

Trước thực trạng trên, ngày 6/6/2023, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra (viết tắt là Nghị quyết số 76) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Một số khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ

Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (viết tắt là Cục V) là tổ chức hành chính, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.

Trước thời điểm Nghị quyết 76 và một số quy định pháp luật có liên quan được ban hành, áp dụng, Cục V đã gặp phải một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như sau:

Một là, các nhiệm vụ đột xuất, các văn bản xử lý sau thanh tra phát sinh ngày càng nhiều do cơ quan chức năng có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ cho ý kiến về việc xử lý sau thanh tra của các kết luận thanh tra làm phát sinh các nhiệm vụ đột xuất cần ưu tiên thời gian, nhân lực để thực hiện.

Hai là, Luật Thanh tra và Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh quy định việc giám sát được thực hiện chủ yếu từ xa, thông qua xem xét các báo cáo tiến độ của Đoàn thanh tra và các thông tin, tài liệu khác thu thập được, do đó với cơ chế giám sát hiện có chưa đảm bảo việc thực hiện đẩy đủ nội dung giám sát theo quy định; một số Đoàn thanh tra chưa có sự phối hợp tốt với Tổ giám sát và trong cùng một thời điểm, một công chức phải thực hiện nhiều nhóm công việc khác nhau nên việc giám sát hoạt động Đoàn thanh tra khó có thể thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thanh tra dẫn tới chất lượng và hiệu quả giám sát chưa cao.

Ba là, phần lớn các dự thảo kết luận thanh tra có nội dung phức tạp, tính chất đặc thù kỹ thuật chuyên sâu, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong khi đội ngũ công chức của Cục chưa đảm bảo được số lượng, chất lượng để đáp ứng yêu cầu công tác thẩm định.

Bốn là, thời gian thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chưa được quy định cụ thể (thực tế được giao thời gian rất ngắn, từ 5 đến 10 ngày), trong khi thời gian thanh tra khoảng từ 60 đến 75 ngày nên việc nêu ý kiến sâu, đầy đủ với toàn bộ nội dung được nêu tại dự thảo kết luận thanh tra gặp không ít khó khăn.

Năm là, một số kết luận thanh tra chất lượng chưa cao, kiến nghị không đầy đủ căn cứ pháp lý gây khó khăn cho việc xử lý sau thanh tra; có những kiến nghị còn chung chung, thiếu tính khả thi, chưa chỉ được cụ thể những tập thể, cá nhân có vi phạm, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện việc xử lý sau thanh tra; một số kết luận thanh tra do chậm ban hành nên đơn vị, đối tượng phải thực hiện kết luận thanh tra có nhiều thay đổi về tổ chức, nhân sự, gây khó khăn trong việc theo dõi, xử lý sau thanh tra.

Sáu là, thời điểm chưa chuyển đổi mô hình từ Vụ tham mưu thành Cục, do chưa được phân cấp, ủy quyền chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ nên không phát huy được đầy đủ tính chủ động, hiệu quả trong việc giúp Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.

leftcenterrightdel
Một buổi họp của Cục V. Ảnh: Thái Minh 

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra và phát hiện, xử lý vi phạm

Thời gian qua, cấp ủy, lãnh đạo Cục V đã tập trung quán triệt, triển khai kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ và các quyết định, kế hoạch công tác của cơ quan để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, điều hành.

Về Nghị quyết số 76, nhận thức được rằng, đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, giúp làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong hoạt động thanh tra; chủ động phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra nên ngay sau khi được ban hành, cấp ủy, lãnh đạo Cục đã phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức toàn đơn vị.

Bám sát nhiệm vụ, giải pháp được nêu, tập thể lãnh đạo Cục đã cụ thể hóa Nghị quyết này như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 76 cùng các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng; Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ; các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng, Đảng bộ Thanh tra Chính phủ.

Thứ hai, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định, hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ công tác. Nâng cao chất lượng và đảm bảo tiến độ xây dựng các báo cáo nhất là báo cáo về giám sát, thẩm định dự thảo các kết luận thanh tra, các văn bản trả lời, báo cáo kiểm tra sau thanh tra, xác định chất lượng và thời gian của báo cáo là thước đo quan trọng để đánh giá, xếp loại chất lượng công chức. 

Thứ ba, bám sát kế hoạch công tác của cơ quan để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác của Cục, các nội dung đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để có biện pháp giải quyết.

Thứ tư, thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ trong công tác; chú trọng thực hiện chế độ báo cáo, tổng hợp, bảo vệ bí mật nhà nước để kịp thời rút kinh nghiệm; ngoài ra, cần tiếp tục chú trọng nâng cao trình độ, nghiệp vụ của công chức và hiệu quả công tác trong thời gian tới.

Thứ năm, yêu cầu công chức phải tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động giám sát, thẩm định, xử lý sau thanh tra; không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, đảng viên, công chức  không được làm, nhất là không được nhận tiền, nhận quà, ăn uống, giao lưu dưới mọi hình thức với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đặc biệt là, tinh thần thanh tra phải phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” được quán triệt mạnh mẽ.

Thứ sáu, tăng cường giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra để kịp thời phát hiện, báo cáo Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh thành viên Đoàn thanh tra vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra, nhất là các trường hợp bao che, bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc kiến nghị xử lý không tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; lợi dụng hoạt động thanh tra để trục lợi.

Thứ bảy, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo Cục trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra.

Thứ tám, xác định chất lượng, hiệu quả giám sát Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và theo dõi, đôn đốc việc xử lý sau thanh tra là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật công chức.

Thứ chín, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ, chuyên môn sâu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội cho công chức được giao thẩm định các dự thảo kết luận thanh tra.

leftcenterrightdel
Cục trưởng Cục V Lê Tiến Đạt nhận khen thưởng từ Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Thái Minh 

Kết quả ban đầu

Năm 2023, nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sát sao và quyết liệt của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, nhất là việc ban hành Nghị quyết số 76 cùng với sự sự đoàn kết, nhất trí, cố gắng, nỗ lực của toàn thể công chức trong Cục; sự phối hợp của các cục, vụ, đơn vị trong Thanh tra Chính phủ cũng như của các bộ, ngành địa phương đã giúp Cục V hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023 và góp phần quan trọng vào kết quả công tác của ngành Thanh tra nói chung và của Thanh tra Chính phủ nói riêng. Cụ thể:

Thông qua giám sát 19 Đoàn thanh tra do các cục, vụ thuộc Thanh tra Chính phủ thực hiện, Cục V đã giúp các Đoàn thanh tra thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra; phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra đã được phê duyệt; đồng thời giúp Tổng Thanh tra Chính phủ phủ kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thanh tra.

Hoạt động thẩm định đã đi vào nền nếp, chất lượng báo cáo kết quả thẩm định được nâng cao hơn, nội dung báo cáo thẩm định được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đánh giá cao và chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra tiếp thu, chỉnh sửa và có báo cáo tiếp thu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng kết luận thanh tra nói riêng và chất lượng công tác thanh tra nói chung của Thanh tra Chính phủ.

Trong năm qua, Cục cũng thực hiện việc đôn đốc bằng văn bản, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với 47 kết luận thanh tra, kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã xử lý thu về ngân sách hơn 709 tỷ đồng, thu hồi được hơn 35 nghìn ha đất; xử lý khác về kinh tế 1.358 tỷ đồng; căn cứ vào các kết luận, kiến nghị thanh tra, các đơn vị đã thực hiện việc kiểm điểm, xử lý hành chính với 357 tập thể, 1.576 cá nhân có liên quan; chuyển cơ quan điều tra 22 vụ việc; đã khởi tố 3 vụ việc và 5 đối tượng; đã thực hiện 12/14 kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách.

Thông qua công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các Kết luận thanh tra, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã thực hiện nghiêm túc hơn, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, đồng thời qua việc đôn đốc, kiểm tra đã đề xuất, kiến nghị xử lý kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra.

Đáng chú ý, Cục V đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, giúp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác theo Quyết định số 153/QĐ-TTCP ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp, hoàn thiện Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” để báo cáo Thường trực Chính phủ.

Từ thực tiễn Cục V, có thể nhận định được rằng, việc ban hành, thực hiện Nghị quyết số 76 đã góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong giám sát, kiểm tra hoạt động của Đoàn thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra do Đoàn thanh tra soạn thảo; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với những vụ việc do Thanh tra Chính phủ báo cáo.

Năm 2023, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.691 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 5.442 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 62,6% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc kiểm tra). Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 2.350 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 64,1%) và 32.523 ha đất; xử lý hành chính 7.972 tổ chức, 9.735 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra152 vụ, 201 đối tượng; khởi tố 18 vụ, 30 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 332 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 72,6%).
Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra