Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2024 được thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và không đều, lạm phát các nước hạ nhiệt rõ hơn sau thời gian thắt chặt tiền tệ và giá dầu giảm, các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất, thị trường hàng hóa, tiền tệ biến động mạnh do tính bất định của kinh tế toàn cầu.
Cùng với việc chủ động điều hành các công cụ của chinh sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng được NHNN chú trọng và tăng cường nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2024, NHNN đã triển khai khoảng 1.400 cuộc thanh tra, kiểm tra; trên cơ sở các hành vi vi phạm được phát hiện, đã ban hành khoảng 350 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD, doanh nghiệp và cá nhân.
Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, cảnh báo hoạt động của các TCTD, yêu cầu TCTD tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát các hành vi vi phạm làm phát sinh nợ xấu, kiểm soát nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.
Đáng chú ý, NHNN đã triển khai các giải pháp tăng cường quản lý thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phối hợp các Bộ, ngành chức năng thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của một số đơn vị, doanh nghiệp để từng bước chấn chỉnh hoạt động này.
|
|
Một buổi làm việc của Thanh tra Chính phủ với NHNN về công tác thi hành pháp luật phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Thái Minh |
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động ngân hàng năm 2025, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm lớn như:
Một là, hoàn thành thực hiện việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của NHNN theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18. Sắp xếp nhân sự các đơn vị thuộc NHNN do sắp xếp lại tổ chức bộ máy bảo đảm công khai, khách quan, đúng quy định.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Ngành, trong đó quan tâm công tác đào tạo, đào tạo lại đối với nhóm cán bộ thuộc diện sắp xếp, bố trí nhiệm vụ công tác mới sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Hai là, tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Ba là, tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực.
Bốn là, theo dõi sát thị trường vàng, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động ngân hàng.
Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các TCTD; tập trung thanh tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.
Đề xuất luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 42 của Quốc hội trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các TCTD, tổ chức mua bán nợ.
Tiếp tục quản lý, chấn chỉnh, củng cố hoạt động hệ thống quý tín dụng nhân dân (QTDND), đặc biệt là xử lý các QTDND yếu kém, các QTDND còn nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả.
Bảy là, tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng, cảnh báo, khuyến nghị kịp thời về các vấn đề rủi ro, các giải pháp tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng./.