Doanh nghiệp kinh doanh đất, cát, đá, sỏi vào "tầm ngắm" thanh tra thuế

Thứ năm, 07/11/2024 10:03
(ThanhtraVietNam) - Ngành Thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế để ngăn chặn, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh tài nguyên khoáng sản. Đối tượng này cũng trùng với một nội dung trong Định hướng chương trình thanh tra năm 2025 của Tổng cục Thuế mới được Thanh tra Chính phủ ban hành.

Ý kiến của Tổng cục Thuế về quản lý sàn thương mại điện tử kiểu Temu

Những lĩnh vực vào “tầm ngắm” của Thanh tra Chính phủ

Định hướng các lĩnh vực sẽ thanh tra trong năm 2025

Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng

Kiểm tra tại cả trụ sở cơ quan thuế và doanh nghiệp 

Theo Tổng cục Thuế, hiện có tình trạng doanh nghiệp sử dụng đất, cát, đá, sỏi... cho công trình xây dựng nhưng dùng hoá đơn đầu vào không hợp pháp hoặc mua bán trái phép hoá đơn để kê khống chi phí. 

Cơ quan này đã yêu cầu Cục thuế các tỉnh rà soát, lập danh sách doanh nghiệp, hộ, cá nhân khai thác, kinh doanh, mua bán, sử dụng đất, cát, đá, sỏi...để theo dõi, quản lý việc kê khai, nộp thuế, phân loại theo mức độ rủi ro để quản lý.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế để ngăn chặn, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật thuế trong lĩnh vực kinh doanh tài nguyên khoáng sản (đất, cát, đá, sỏi). Hoạt động kiểm tra được thực hiện tại cả trụ sở cơ quan thuế và tại trụ sở của doanh nghiệp.

Theo đó, ngành Thuế sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có kinh doanh, sử dụng vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi trên địa bàn. Trường hợp phát hiện có rủi ro cao thì lập kế hoạch, thực hiện thanh tra kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp.

Yêu cầu được đặt ra khi kiểm tra là phải rà soát kỹ việc sử dụng hoá đơn, chứng từ đầu vào, hoá đơn bán ra của các hàng hoá này, trường hợp cần thiết, truy xuất xác định nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá, tính hợp pháp của hoá đơn. Nếu phát hiện rủi ro cao thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị cung cấp đất, đá, cát, sỏi tại các khâu kinh doanh thương mại và các đơn vị thực hiện khai thác tại mỏ.

Đối với các đơn vị thực hiện dự án, công trình, khi thanh tra kiểm tra phải lưu ý các thông tin về dự toán xây dựng, hồ sơ nghiệm thu, thanh toán, quyết toán; kiểm tra rà soát hoá đơn mua vật liệu xây dựng là đất, cát, đá, sỏi để xem xét nguồn gốc hợp pháp của các mặt hàng đã sử dụng; số lượng sử dụng thực tế so với dự toán hoặc quyết toán công trình; đối chiếu thực tế khối lượng đất, cát, đá, sỏi mua vào để sử dụng cho dự án, công trình với khả năng khai thác và được cấp phép khai thác trên địa bàn để xác định tính hợp lý hoặc phát hiện rủi ro.

Đối với đơn vị khai thác, kinh doanh đất, cát, đá, sỏi có rủi ro cao, khi thanh tra kiểm tra hàng hoá bán ra thì phải lưu ý kiểm tra đối chiếu về số lượng, sản lượng khai thác, mua bán, vận chuyển.

Đặc biệt, khi phát hiện sử dụng hoá đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hoá đơn để hạch toán khống chi phí hoặc hợp thức hàng hoá mua vào, bán ra thì phải căn cứ tính chất, mức độ vi phạm và các quy định pháp luật để xử lý nghiêm, thu hồi tiền thuế, xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

leftcenterrightdel
Hoạt động khai thác cát lòng sông. (Ảnh minh họa-ITN) 

Định hướng thanh tra năm 2025

Thanh tra Chính phủ đã ban hành Định hướng chương trình thanh tra năm 2025 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính được định hướng tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sau:

Một là, thuộc ngành nghề, lĩnh vực có dư địa thu lớn hoặc có rủi ro như: Dầu khí; xăng dầu; điện lực; viễn thông; ngân hàng; bảo hiểm; chứng khoán; cho thuê tài chính; dược phẩm; bất động sản; xây dựng; kinh doanh chế tác vàng, bạc, đá quý; hoạt động vui chơi giải trí; truyền thông quảng cáo; thương mại điện tử...;

Hai là, quy mô lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra;

Ba là, phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án;

Bốn là, phát hành chứng khoán trả cổ tức bằng cổ phiếu, trả cổ phiếu thưởng;

Năm là, có giao dịch liên kết, chuyển giá, kết quả hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm hoặc thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề, lĩnh vực;

Sáu là, có rủi ro cao về hoá đơn;

Bảy là, có dấu hiệu gian lận, có rủi ro về hoàn thuế hoặc được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế;

Tám là, có phát sinh hồ sơ miễn giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần;

Chín là, có thông tin giao dịch đáng ngờ do Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, cơ quan Hải quan cung cấp./.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra