Quảng Trị:

Dự án thanh toán cao hơn quy định, Thanh tra tỉnh kiến nghị thu hồi 744.436.000 đồng

Thứ sáu, 09/06/2023 14:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những kiến nghị của Thanh tra tỉnh Quảng Trị tại Kết luận số 437/KL-TTr (ngày 07/6/2023) về thanh tra chấp hành quy định pháp luật 05 dự án: Đo đạc bản đồ, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Quảng Trị tại Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trực thuộc.

Theo đó, 05 dự án được thanh tra bao gồm: (1) Đo vẽ lại bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sửu dụng (CNQSD) đất thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị (Lập hồ sơ cấp giấy CNQSD đất do UBND thành phố Đông Hà làm chủ đầu tư); (2) Đo đạc chỉnh lý, đo vẽ lại bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 05 thị trấn (Thị trấn Cửa Tùng, Hồ Xá huyện Vĩnh Linh; thị trấn Gio Linh, Cửa Việt huyện Gio Linh, thị trấn Hải Lăng huyện Hải Lăng); (3) Đo vẽ lại bản đồ địa chính; lập hồ sơ cấp giấy CNQSD đất 4 xã Gio Mỹ, Gio Thành, Trung Giang, Gio Châu thuộc huyện Gio Linh; (4) Lập hồ sơ ranh giới; cắm mốc ranh giới sử dụng đất; đo đạc lập bản đồ địa chính; lập hồ sơ cấp giấy CNQSD đất đối với đất của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; (5) Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Quảng Trị tại Sở Tài nguyên và Môi trường (Chọn mẫu hồ sơ đấu thầu đối với gói thầu số 02: Mua sắm trang thiết bị MIPLIS cấp tỉnh thuộc hợp phần 1 và gói thầu số 01: Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính thuộc hợp phần II).

leftcenterrightdel
Thanh tra tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị . Ảnh: TN

Kết quả đạt được của 05 dự án

Qua thanh tra cho thấy, kết quả, sản phẩm hoàn thành nghiệm thu của 3 dự án: Đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, tổ chức được bàn giao cho địa phương, các cơ quan chức năng làm cơ sở cho việc chuẩn hóa dữ liệu đất đai, có bản đồ và hồ sơ địa chính đồng bộ, thống nhất và hiện đại, phản ánh được hiện trạng chi tiết đến từng thửa đất; làm cơ sở để xây dựng bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đảm bảo, phục vụ khai thác, chia sẻ thông tin dữ liệu địa chính một cách thống nhất. Các dự án đã số hóa liên thông với cơ quan thuế, các văn phòng đăng ký đất đai và đang hoàn thiện để liên thông với Trung tâm hành chính công của tỉnh. Sản phẩm phục vụ cho công tác xây dựng giá đất, thống kê kiểm kê đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo, cung cấp cơ sở dữ liệu đo đạc để lập hồ sơ cấp GCNQSD đất theo Nghị quyết số 94/NQ-HĐND. Qua đó, từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về đất đai của các cấp, các ngành góp phần lớn trong việc thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như trong toàn tỉnh.

Dự án Lập hồ sơ ranh giới; cắm mốc ranh giới sử dụng đất; đo đạc lập bản đồ địa chính; lập hồ sơ cấp giấy CNQSD đất đối với đất của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã giúp các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có hồ sơ pháp lý, dữ liệu hồ sơ ranh giới, hồ sơ cắm mốc ranh giới sử dụng đất; hồ sơ đo đạc lập bản đồ địa chính; hồ sơ lập hồ sơ cấp GCNQSD đất để quản lý trên bản giấy, trên phần mềm cũng như cập nhật, số hóa kết nối vào dữ liệu địa chính toàn tỉnh. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các công ty nông, lâm nghiệp chuẩn hóa dữ liệu, tăng cường công tác quản lý, công tác sản xuất kinh doanh, khắc phục tình trạng cấp trùng diện tích trước đây, là cơ sở pháp lý để xác định ranh giới, mốc giới với địa phương, với các chủ sử dụng đất khác, hạn chế việc xâm lấn, tranh chấp đất đai, chuẩn hóa tọa độ, cấp chính xác theo tiêu chuẩn, quy định mới hiện hành, khắc phục số liệu chưa chính xác trước đây, đồng bộ hóa dữ liệu, công tác đo đạc của các công ty.

Sản phẩm của dự án VILG-QT cơ bản hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng, là một trong 19 danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh theo Quyết định số 691/QĐ-UBND ngày 11/04/2023 của UBND tỉnh; đã kết nối liên thông giữa Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh với Chi nhánh cấp huyện, từ tháng 11/2022 đã kết nối liên thông giữa cơ quan Thuế với Văn phòng Đăng ký đất đai các cấp; hiện nay đang thực hiện các bước để liên thông với hệ thống dịch vụ công của tỉnh, đáp ứng mong đợi của Nhân dân.

Một số khó khăn, hạn chế còn tồn tại

Qua thanh tra cho thấy, khối lượng công việc chi tiết quá lớn, các đối tượng liên quan dự án nhiều, nên việc ký xác nhận của chủ hộ, hộ liền kề gặp nhiều khó khăn. Kết quả đo đạc bằng thiết bị hiện đại, tọa độ chuẩn hiện hành sẽ có một số trường hợp lệch vị trí, ranh giới so với những trường hợp đất trước đây cấp chưa kèm tọa độ, đất xây đủ diện tích nhưng lệch vị trí.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, đất của các tổ chức có nhiều biến động cần phải lập các thủ tục thu hồi đất, giao trả đất về địa phương, quy chủ, phát sinh tình trạng tranh chấp đất,… làm cho tiến độ các dự án bị kéo dài.

Kết quả biến động diện tích đất của các hộ gia đình trong quá trình sử dụng, nay được dự án đo lại hiện trạng mới thì dự án không thể chủ động cấp đổi được mà phải tách phần diện tích trong giấy chứng nhận cũ và diện tích chênh lệch tăng giảm riêng để lập thành 2 đơn, chờ địa phương xác nhận nguồn gốc biến động diện tích đất, đất cấp đổi thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị, còn diện tích đất tăng biến động phải lập hồ sơ cấp mới thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện.

Ngoài ra, phần mềm tại Trung tâm hành chính công tỉnh và phần mềm dữ liệu đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đồng bộ, các quy trình thủ tục hành chính công lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện số hóa liên thông giữa các cơ quan liên quan với Trung tâm cải cách hành chính công tỉnh Quảng Trị chưa khớp, nay đang gấp rút hoàn thiện trong quý III/2023.

Có thể nói, đây là những dự án mang tính đặc thù chuyên môn, việc xác nhận nguồn gốc đất phụ thuộc công tác phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Mặt khác, khi Dự án phê duyệt, nhưng việc bố trí vốn còn phụ thuộc nguồn Trung ương hỗ trợ hàng năm và tùy vào nguồn thu đấu giá đất. Chính vì thế, qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Quảng Trị đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục của các Dự án.

Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị thu hồi nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Thanh tra tỉnh số tiền 744.436.000 đồng thanh toán chi sai diện tích đất giao thông.

Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị tổ chức triển khai thực hiện các dự án đo vẽ bản đồ địa chính theo đúng quy định hiện hành; điều chỉnh thiết kế dự toán (nếu có), trình thẩm định, phê duyệt dự toán và thực hiện nghiệm thu thanh toán, quyết toán theo quy định. Tiếp tục đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án theo đúng thời hạn; yêu cầu cá đơn vị thi công rà soát, điều chỉnh hồ sơ kỹ thuật đảm bảo theo quy định Thông tư 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;…

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các công ty nông lâm nghiệp và các cơ quan liên quan để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ việc cấp đổi 37 giấy CNQSD đất còn lại của các công ty nông lâm nghiệp trên cơ sở số liệu dự án đã đo đạc, số liệu đo đạc thu hồi đất trả về địa phương, số liệu đã đo đạc chỉnh lý và yêu cầu tại công văn số 4189/UBND-TN ngày 13/9/2019 của UBND tỉnh Quảng Trị,…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các dự án trên./.

Trọng Nhân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra