Thanh tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng:

Hy vọng Ngân hàng Nhà nước không vi phạm như Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Thứ hai, 13/05/2024 10:00
(ThanhtraVietNam) - Nhiều hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Thanh tra Bộ Công an chỉ ra hồi đầu năm. Hoạt động ngân hàng là lĩnh vực rất nhạy cảm, tác động trực tiếp đến an ninh - tiền tệ, an ninh kinh tế quốc gia nên rất hy vọng cuộc thanh tra đang tiến hành tại Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hơn công tác này.

Bộ Giáo dục và đào tạo cần kiểm tra về an ninh mạng

Một số quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực thanh tra hiện nay

Hoan hô Thống đốc Hồng!

Trách nhiệm của các bên

Theo Luật An ninh mạng (ANM), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN), Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ANM, về BMNN và có nhiệm vụ, quyền hạn trong kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về ANM, về bảo vệ BMNN.

Hiện nay, nội dung triển khai hoạt động bảo vệ ANM trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương gồm:

Một là, xây dựng, hoàn thiện quy định, quy chế sử dụng mạng máy tính nội bộ, mạng máy tính có kết nối mạng Internet; phương án bảo đảm ANM đối với hệ thống thông tin; phương án ứng phó, khắc phục sự cố;

Hai là, ứng dụng, triển khai phương án, biện pháp, công nghệ bảo vệ ANM đối với hệ thống thông tin và thông tin, tài liệu được lưu trữ, soạn thảo, truyền đưa trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý;

Ba là, tổ chức bồi dưỡng kiến thức về ANM cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ ANM;

Bốn là, bảo vệ ANM trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trên không gian mạng, cung cấp, trao đổi, thu thập thông tin với cơ quan, tổ chức, cá nhân, chia sẻ thông tin trong nội bộ và với cơ quan khác hoặc trong hoạt động khác theo quy định của Chính phủ;

Năm là, đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ ANM đối với hệ thống thông tin;

Sáu là, kiểm tra ANM đối với hệ thống thông tin; phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật và ứng phó, khắc phục sự cố ANM.

leftcenterrightdel
 Đồ họa: Thái Minh

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý BMNN có trách nhiệm ban hành nội quy bảo vệ BMNN trong cơ quan, tổ chức, trừ một số trường hợp được quy định trong Luật Bảo vệ BMNN.

Đồng thời, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định của pháp luật và quy chế, nội quy về bảo vệ BMNN trong cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Đặc biệt là, cần chỉ đạo xử lý và kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi xảy ra lộ, mất BMNN thuộc phạm vi quản lý.

Ngoài ra, phải tổ chức thu hồi tài liệu, vật chứa BMNN khi người được phân công quản lý BMNN thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu, từ trần hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý.

Vi phạm tại Bộ Giáo dục và Đào tạo

Hồi tháng 01/2024, Thanh tra Bộ Công an đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN và ANM đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ 16/10 đến 17/11/2023, Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra trực tiếp tại 14 đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm: Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin, Vụ Giáo dục mầm non, Vụ Giáo dục đại học, Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Giáo dục quôc phòng và an ninh, Vụ Pháp chế, Vụ Cơ sở vật chất, Cục Quản lý chất lượng, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Đại học Huế.
Theo Kết luận thanh tra, giai đoạn từ ngày 01/01/2020 đến thời điểm thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch, giao Văn phòng Bộ tiến hành 9 cuộc kiểm tra về công tác văn thư lưu trữ, bảo vệ BMNN đối với Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đồng thời, giao Cục Công nghệ thông tin tổ chức 5 cuộc kiểm tra về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có nội dung kiểm tra về an ninh, an toàn thông tin (lồng ghép trong kế hoạch kiểm tra về công tác văn thư, lưu trữ, bảo vệ BMNN) đối với Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên; ban hành kế hoạch  kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng tại Bộ năm 2023.

Cục Công nghệ thông tin đã ban hành kế hoạch tự kiểm tra công tác bảo vệ BMNN các năm 2022, 2023, trong đó tiến hành 4 cuộc kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm; nguyên nhân khách quan, chủ quan và kiến nghị biện pháp xử lý.

Ngoài những hạn chế, khuyết điểm như: Chậm triển khai Nghị định số 53 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ANM, Quy chế bảo vệ BMNN có nội dung không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN..., Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ các vi phạm  là: Có 4 đơn vị làm mất, thất lạc văn bản, tài liệu BMNN; một số đơn vị để xảy ra việc soạn thảo, lưu trữ tài liệu chứa BMNN trên máy tính kết nối mạng internet; Cục Công nghệ thông tin chưa tham mưu Bộ triển khai 3 văn bản của Chính phủ về ANM.

Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 14/14 đơn vị được thanh tra chưa triển khai thực hiện công tác kiểm tra về ANM; 13/14 đơn vị (trừ Cục Công nghệ thông tin) chưa tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật và nội quy bảo vệ BMNN thuộc phạm vi quản lý.

Trung tướng Nguyễn Đức Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Công an đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Văn phòng Bộ phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN và ANM đối với các đơn vị trực thuộc Bộ mà Đoàn thanh tra chưa tiến hành làm việc trực tiếp.

7 nội dung thanh tra

Cùng với chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước còn thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.

Thực hiện quy định tại Luật Bảo vệ BMNN, trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ, sau khi đã được Bộ Công an thẩm định, ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2182/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục BMNN thuộc lĩnh vực ngân hang.

Theo đó, ngoài 12 nội dung được kế thừa có chỉnh sửa về nội dung, giữ nguyên độ mật như các quy định cũ, Danh mục đã điều chỉnh độ mật 11 nội dung và bổ sung vào Danh mục BMNN độ “Mật” 8 nội dung, trong đó có nội dung như: Nơi lưu giữ vàng vật chất thuộc Dự trữ ngoại hối Nhà nước ở trong nước; thông tin, tài liệu về nguy cơ mất, nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, nguy cơ mất khả năng thanh toán; thông tin về cơ cấu lại, xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được xếp hạng yếu kém...

Theo Ngân hàng Nhà nước, công tác bảo vệ BMNN được cơ quan này xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và luôn dành sự quan tâm chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy định nội bộ về công tác BMNN đến cán bộ, công chức, viên chức.

Trước thách thức, khó khăn mới trong bối cảnh nhiều ứng dụng khoa học, kỹ thuật áp dụng trong ngành Ngân hàng có bước phát triển nhảy vọt; tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình  tội phạm có những biến tướng tinh vi, phức tạp và để tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ BMNN, ngày 14/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức một hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ BMNN.

leftcenterrightdel
 Hoạt động ngân hàng là lĩnh vực rất nhạy cảm và tác động trực tiếp đến an ninh - tiền tệ, an ninh kinh tế quốc gia. Ảnh: Thái Minh

Ngày 24/4/2024, Chánh Thanh tra Bộ Công an đã ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN và ANM đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các nội dung thanh tra gồm:

(1) Công tác chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN và ANM;

(2) Việc tổ chức các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN;

(3) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về ANM;

(4) Phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ BMNN và ANM;

(5) Công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN và ANM;

(6) Việc bố trí kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo vệ BMNN và ANM;

(7) Thực hiện chế độ báo cáo về công tác bảo vệ BMNN và ANM.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2021 đến thời điểm thanh tra.

Buổi công bố quyết định đã được thực hiện vào ngày 10/5/2024 tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước./.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra