Kết quả các mặt công tác của ngành Thanh tra tỉnh Quảng Nam

Thứ hai, 31/07/2023 16:00
(ThanhtraVietNam) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đảm bảo đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ.

Toàn tỉnh tiến hành 116 cuộc thanh tra hành chính, gồm: Triển khai trong kỳ 85 cuộc, kỳ trước chuyển sang 31 cuộc; 85 cuộc theo kế hoạch, 31 cuộc đột xuất. Trong đó, Thanh tra tỉnh tiến hành 17 cuộc, gồm: Kỳ trước chuyển sang 09 cuộc, triển khai trong kỳ 08 cuộc, có 02 cuộc thanh tra đột xuất UBND tỉnh giao.

leftcenterrightdel

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành thanh tra tỉnh. Ảnh: N. Thân

Công tác thanh tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề "nóng", vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tồn tại kéo dài và nguy cơ cao xảy ra sai phạm như đất đai, nhà ở, đầu tư công, sử dụng ngân sách… Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất; các kết luận thanh tra đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và có tính khả thi cao. Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra được thực hiện quyết liệt nên đã có những chuyển biến tích cực.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các đơn vị, địa phương chú trọng, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Các tổ chức thanh tra thực hiện tốt chức năng tham mưu, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các cơ quan chức năng có liên quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, hạn chế đơn khiếu kiện vượt cấp, nhiều người, không phát sinh điểm nóng, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và triển khai thực hiện đồng bộ theo chỉ đạo của Trung ương; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện tốt công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, công tác xác minh tài sản, thu nhập và công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp, sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng.

Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả trên, ngành Thanh tra tỉnh Quảng Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, trong công tác thanh tra, một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch, chưa đảm bảo tiến độ; tỷ lệ thu hồi sau thanh tra đối với các cuộc thanh tra kết thúc trong niên độ báo cáo còn thấp. Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tuy có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn thấp (55,2%); một số vụ việc khiếu nại giải quyết còn chậm, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai (chủ yếu ở cấp huyện như: Điện Bàn, Phú Ninh, Hiệp Đức, Quế Sơn…). Trong công tác phòng, chống tham nhũng, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, hầu như việc phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra trong nội bộ là không có; một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập nên triển khai thực hiện việc kê khai còn chậm, phải tiến hành đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần. Ngoài ra, tại một số đơn vị, địa phương còn thiếu biên chế theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt như ở các Sở: Y tế, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các huyện: Phú Ninh, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tây Giang.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên cơ bản là do khối lượng công việc nhiều, trong kỳ phát sinh nhiều cuộc thanh tra đột xuất (31 cuộc), nội dung thanh tra phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành nên cần nhiều thời gian để xác minh làm rõ và chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Bên cạnh đó, một số đơn vị, địa phương chưa bố trí cán bộ theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiến nghị sau thanh tra đã có hiệu lực pháp luật. Một số vụ việc khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai giải quyết chậm, kéo dài thời gian giải quyết do đặc thù về lịch sử quản lý đất đai phức tạp; nguồn gốc, diện tích đất trong quá trình quản lý, sử dụng có thay đổi nên gặp khó khăn trong công tác xác minh, giải quyết; cấp xã không có cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo nên việc tham mưu công tác này còn hạn chế. Trách nhiệm người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Người thuộc đối tượng kê khai tài sản, thu nhập chưa quan tâm, chú trọng việc kê khai, không nghiên cứu kỹ các quy định về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng lực lượng thanh tra.

Phát huy hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra tại địa phương

Để phát huy hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả ngành Thanh tra, trong thời gian tới, ngành Thanh tra tỉnh Quảng Nam tiếp tục chủ động hoàn thành các cuộc thanh tra theo Kế hoạch thanh tra năm 2023 đã được phê duyệt; gắn các cuộc thanh tra hành chính và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo với việc phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành của hoạt động thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và có tính khả thi cao; thực hiện tốt việc lấy ý kiến góp ý dự thảo kết luận thanh tra trước khi ban hành, khắc phục tình trạng chậm trễ trong ban hành kết luận thanh tra; theo dõi, đôn đốc, xử lý nghiêm minh đối với những tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị, văn bản xử lý kết luận thanh tra và tập trung thu hồi triệt để tiền và tài sản sai phạm sau thanh tra nộp ngân sách Nhà nước. Chú trọng công tác theo dõi, chủ động nắm tình hình khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật để thực hiện thanh tra đột xuất; quyết định thanh tra lại các cuộc thanh tra đã kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành.

Các đơn vị, địa phương giảm triệt để việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành khác theo Quyết định số 1119/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

H. Đăng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra