Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra ngành Tài chính

Thứ hai, 01/04/2024 13:57
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Bộ Tài chính đã tham mưu Ban cán sự đảng Bộ Tài chính ban hành Nghị quyết số 28-NQ/BCSĐ về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Bộ Tài chính.

Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Theo đó, kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, lãnh đạo cơ quan thanh tra, kiểm toán phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán thuộc thẩm quyền được giao.

Người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm ban hành hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra, kiểm toán để bảo đảm việc kiểm soát quyền lực, PCTNTC; chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm của đoàn thanh tra, kiểm toán được phân công chỉ đạo…

Thành viên đoàn kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm: (1) Tự giác báo cáo với tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và xin không làm thành viên đoàn khi: Có quyền, lợi ích liên quan đến đối tượng kiểm tra; có quan hệ gia đình với đối tượng kiểm tra hoặc cùng là thành viên đoàn. (2) Chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm toán; quy định của ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình công tác. (3) Thực hiện nghiêm quyết định, kế hoạch, phân công nhiệm vụ của đoàn; kịp thời báo cáo trưởng đoàn hoặc lãnh đạo cơ quan, đơn vị, cấp có thẩm quyền khi phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của đoàn. (4) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng đắn về nội dung báo cáo công việc được phân công và được bảo lưu ý kiến của mình. (5) Không nhận quà vật chất và các lợi ích phi vật chất của đối tượng kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán dưới mọi hình thức.

Trao đổi với Tạp chí Thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của Quy định số 131-QĐ/TW, để việc quán triệt, triển khai thực hiện bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả trong ngành Tài chính, Thanh tra Bộ Tài chính đã tham mưu Ban cán sự đảng Bộ Tài chính ban hành Nghị quyết số 28-NQ/BCSĐ ngày 17/01/2024 về việc kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Bộ.

Đồng thời, tăng cường lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch và quy trình nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra; rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình hoạt động thanh tra đảm bảo kiểm soát quyền lực, PCTNTC; chỉ đạo kiểm tra, giám sát đảng viên, cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra của ngành Tài chính.

Ngày 11/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Theo Nghị định, tổ chức thanh tra ngành Tài chính được tăng cường thêm, cụ thể: có sự thay đổi thành cơ quan thanh tra đối với Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước và bổ sung 4 Cục thuộc Bộ Tài chính mới được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

leftcenterrightdel
Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: PV

Ngày 28/02/2024, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có chức năng thanh tra thuộc Bộ tổ chức Hội nghị triển khai công tác thanh tra và tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định trong công tác thanh tra, cụ thể:

Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ đã phổ biến các quy định của Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị; Luật Thanh tra số 11/2022/QH15; Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 28-NQ/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính; Thông báo số 1131/TB-BTC ngày 01/12/2023 của Bộ Tài chính về việc tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ của công chức, viên chức Bộ Tài chính; Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 23/11/2023 của Bộ Tài chính về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính và Ban cán sự đảng Bộ.

Đồng thời, quán triệt, yêu cầu các đơn vị quan tâm, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác thanh tra.

Thời gian qua, thực hiện các quy định pháp luật về PCTN, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành Tài chính thực hiện nghiêm túc việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức theo 04 hình thức, gồm: Luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác và điều động công chức và quy định rõ thời gian, phạm vi thay đổi vị trí công tác được thực hiện ở tất cả các cấp (cấp Tổng cục, cấp Cục ở các tỉnh, thành phố, cấp Chi cục), các đơn vị, tổ chức của Bộ Tài chính.

Trong tổ chức thực hiện đã quán triệt tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ, có sự thảo luận, thống nhất về kế hoạch, danh sách cán bộ luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác giữa lãnh đạo và cấp ủy, tạo sự nhất trí cao về chủ trương, kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện.

Trong 05 năm (giai đoạn 2019 - 2023), trong phạm vi toàn ngành các đơn vị của Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí và điều động gần 50.000 lượt công chức, trong đó: Tổng cục Hải quan 9.383 lượt, Tổng cục Thuế 32.785 lượt, Kho bạc Nhà nước Tổng cục 6.727 lượt, Thanh tra Bộ Tài chính 50 lượt công chức./.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra