Tiền Giang:

Kỳ II: Cần nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm

Thứ sáu, 30/06/2023 16:00
(ThanhtraVietNam) - Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang, tại Kết luận Thanh tra 1189/KL-BNN-TTr ban hành ngày 02/3/2023, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, hình thức phạt tiền trong các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều đã được các tổ chức, cá nhân có vi phạm nghiêm túc chấp hành; tuy nhiên, qua thanh tra phát hiện còn tồn tại, thiếu sót.

Kỳ I: Còn tồn tại, thiếu sót trong hoạt động cấp phép

Thực hiện 32 cuộc thanh tra, kiểm tra

Từ năm 2020 đến thời điểm thanh tra, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang đã thực hiện 32 cuộc thanh tra (23 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 09 cuộc đột xuất), Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện 07 cuộc thanh tra (phát hiện 20 trường hợp vi phạm, phạt tiền 176.000.000 đồng); Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiến hành 15 cuộc thanh tra, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thực hiện 10 cuộc thanh tra (đối với 55 cơ sở, phát hiện 06 đối tượng vi phạm, phạt tiền 40.000.000 đồng).

Đoàn Thanh tra kiểm tra hồ sơ 07 cuộc thanh tra tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hồ sơ 06 cuộc thanh tra tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (năm 2020: 02 hồ sơ; năm 2021: 02 hồ sơ; năm 2022: 02 hồ sơ); hồ sơ 04 cuộc thanh tra tại Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (năm 2020: 02 hồ sơ; năm 2021: 01 hồ sơ; năm 2022: 01 hồ sơ); hồ sơ 04 cuộc thanh tra tại Chi cục Thủy sản (01 hồ sơ năm 2020; 03 hồ sơ năm 2022); hồ sơ 02 cuộc thanh tra năm 2022 tại Thanh tra Sở.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Internet)

Còn tồn tại, thiếu sót

Cụ thể là, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang chưa báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT (báo cáo hàng năm qua Cục Bảo vệ thực vật) việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý phân bón; đồng thời chưa tham mưu, UBND ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất, buôn bán và sử dụng phân bón trên địa bàn Tỉnh năm 2020 theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón.

Tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng không ghi thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Ngoài ra, khi phát hiện thuốc thú y lưu thông trên thị trường quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc ghi nhãn sản phẩm không đúng nội dung đã đăng ký hoặc không có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, Chi cục không thực hiện thu hồi, tiêu huỷ theo quy định; không có biện pháp truy xuất nguồn gốc để xử lý triệt để sai phạm.

Tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, việc lập Biên bản vi phạm hành chính không đúng thời gian quy định; ghi nhận quyền giải trình cho các đối tượng không thuộc trường hợp được giải trình; chưa áp dụng mức phạt tiền với hàng hóa bán đi có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng theo quy định; kéo dài thời gian xử lý kết quả phân tích mẫu; chấp thuận đơn xin phân tích lại hàng hóa có chất lượng vi phạm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng không đúng quy định. Ngoài ra, việc xử lý kết quả phân tích chất lượng mẫu chưa dứt điểm; các hồ sơ xử lý vi phạm về ghi nhãn hàng hóa không lưu mẫu nhãn vi phạm; không có hồ sơ thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với những hồ sơ xử lý vi phạm áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải thu hồi tang vật và tiêu hủy. Một số Biên bản làm việc ghi thiếu thông tin; một số hồ sơ thiếu tài liệu kèm theo. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật còn lập Biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt không kịp thời; chấp thuận cho đối tượng thanh tra được phân tích lại mẫu không đúng quy định; quyết định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng tình tiết giảm nhẹ để áp mức xử phạt tối thiểu chưa có cơ sở.

Chi cục Thuỷ sản không lập Biên bản làm việc đối với các tàu cá được kiểm tra nhưng không có vi phạm; chấp thuận cho đối tượng vi phạm hành chính quyền và thời hạn giải trình không đúng theo quy định.

Tại Thanh tra Sở, việc lập Biên bản vi phạm hành chính không kịp thời; chấp thuận việc phân tích lại lần hai đối với hàng hóa có chất lượng không đảm bảo chất lượng không đúng quy định và một số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Cần nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành

Để khắc phục những tồn tại, thiếu sót phát hiện qua thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật chuyên ngành tại Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang, trên cơ sở tham mưu của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ và Sở này thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cần khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trình Chính phủ ban hành.

Thứ hai, Cục Thú y cần tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 2254/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2020; rà soát quy định về hành vi vi phạm điều kiện buôn bán thuốc thú y và điều kiện hành nghề thú y tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Thú y năm 2015.

Thứ ba, Cục Chăn nuôi cần đẩy nhanh việc xây dựng Thông tư quy định việc chăn nuôi động vật khác thuộc danh mục động vật khác được phép chăn nuôi (bao gồm cả Ruồi lính đen) để trình Bộ trưởng ban hành trong năm 2023.

Thứ tư, Cục Bảo vệ thực vật đôn đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang thực hiện báo cáo hàng năm việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý phân bón.

Thứ năm, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang cần nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành chăn nuôi, thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật, thuỷ sản, quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát công tác tham mưu, hoạt động cấp phép, quản lý sau cấp phép và công tác thanh tra chuyên ngành tại địa phương; kịp thời khắc phục những tồn tại, thiếu sót Đoàn thanh tra đã nêu tại Kết luận thanh tra để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành trong thời gian tới.

Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT đôn đốc, tổng hợp báo cáo Bộ trưởng kết quả xử lý sau thanh tra của các đơn vị.

Minh Phương
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra