Một số khó khăn trong thực hiện kết luận thanh tra tại Kon Tum

Thứ ba, 18/07/2023 14:43
(ThanhtraVietNam) - Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Nhất là việc thực hiện khắc phục một số kiến nghị về lĩnh vực đất đai, xây dựng, bồi thường và xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị chậm thực hiện hoặc không thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý theo kết luận thanh tra.

Khẩn trương xử lý khoản được cơ quan kiểm toán, thanh tra kiến nghị thu

Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước, ngày 13/7/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố về nội dung này.

Trong đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các đơn vị nêu trên thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu về ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, khẩn trương xử lý theo chế độ quy định các khoản tạm thu, tạm giữ, các khoản thuế đã kê khai nhưng chậm nộp và các khoản đã được các cơ quan kiểm toán, thanh tra phát hiện, kiến nghị thu vào ngân sách nhà nước.

Sở Công Thương phối hợp với Cục Thuế tỉnh nâng tỷ lệ doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra thuế; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trước và sau hoàn thuế, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, hiệu quả cho doanh nghiệp, không để việc hoàn thuế kéo dài... Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh nhưng thực tế có kinh doanh để đưa vào diện quản lý thuế; rà soát xử lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng không kê khai, nộp thuế theo quy định, các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh nhưng thực tế không hoạt động.

Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, thực hiện rà soát, đánh giá phân loại nợ thuế; tập trung đôn đốc, cưỡng chế thu ngay các khoản nợ thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định, không để tình trạng nợ thuế kéo dài, hạn chế phát sinh nợ thuế mới.

Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính đối với các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu theo quy định nhằm đánh giá tình hình tài chính, tình hình sử dụng, bảo toàn và tăng trưởng vốn.

Mặt khác, Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương theo phân cấp, thẩm quyền quản lý phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi và quy định pháp luật. Đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm về tài chính theo quy định đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đã được cơ quan kiểm toán, thanh tra phát hiện, kiến nghị.

leftcenterrightdel

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Thanh tra diễn ra ngày 14/7/2023. Quang cảnh tại điểm cầu Kon Tum. (Ảnh: kontum.gov.vn) 

Xử lý tổ chức, cá nhân chậm thực hiện kết luận kiểm toán, thanh tra

Đáng chú ý, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ, công khai, minh bạch; nâng cao trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài sản công. 

Ngày 23/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước. Trong đó, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc tăng cường công tác quyết toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch; thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thanh tra.

Đồng thời, tổ chức đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, thanh tra. Trong đó, tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, đề ra các giải pháp và phối hợp với cơ quan Kiểm toán nhà nước, thanh tra để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng từ các năm trước.

Trường hợp đơn vị, địa phương không chấp hành chế độ báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, thanh tra theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo chậm, Sở Tài chính tạm dừng cấp kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Đặc biệt, tổ chức thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài sản công; chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, thanh tra đối với các vi phạm xảy ra thuộc trách nhiệm được giao quản lý.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, thanh tra đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài sản công thuộc trách nhiệm được giao quản lý.

Còn khó khăn trong thực hiện kết luận thanh tra

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Thanh tra về những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện kết luận thanh tra giai đoạn 2020-2021 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết, đến nay, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp. Về cơ bản, các đối tượng thanh tra đã nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Qua công tác kiểm tra, rà soát đã nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận thanh tra, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum việc thực hiện khắc phục một số kiến nghị về lĩnh vực đất đai, xây dựng, bồi thường rất khó khăn do những sai phạm đã xảy ra trong một thời gian dài. Nguyên nhân sai phạm lỗi chính do cơ quan quản lý nhà nước; nếu thực hiện thì ảnh hưởng đến lợi ích, tài sản của người dân hoặc không có kinh phí để thực hiện.

Bên cạnh đó, thẩm quyền, trình tự thu hồi quyền sử dụng đất, khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước (đất đai, xây dựng, quy hoạch...) được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan nhưng thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và các quy định pháp luật khác có liên quan. Do đó, việc thực hiện các kiến nghị này thường kéo dài nhưng chưa được hướng dẫn theo dõi, đôn đốc cụ thể nên các cơ quan thanh tra vẫn phải theo dõi, đôn đốc thường xuyên đến khi hoàn thành việc thực hiện kết luận thanh tra.

Theo quy định, để biết được kết quả thực hiện kết luận thanh tra của các đối tượng thanh tra thì cơ quan theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra phải yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra. Trong khi đó, nhiều kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai cần phải có nhiều thời gian để khắc phục, nhưng các đối tượng thanh tra khi thực hiện không báo cáo tiến độ thực hiện.

Ngoài ra, ông Lê Ngọc Tuấn cho biết thêm, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị chậm thực hiện hoặc không thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý theo kết luận thanh tra (đặc biệt đối tượng thực hiện kết luận thanh tra là các doanh nghiệp) chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, ngoài việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh cũng chỉ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh phê bình hoặc gợi ý Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh kiểm điểm đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không hoàn thành kết luận thanh tra theo quy định./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra