Một số ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022

Thứ năm, 23/02/2023 08:00
(ThanhtraVietNam) - Theo Quyết định số 1529/QĐ-TTg ngày 12/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4; Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra (sau đây viết tắt là dự thảo Nghị định).

Qua nghiên cứu Dự thảo Nghị định cho thấy, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng Dự thảo Nghị định để cụ thể hóa các các Điều mà Luật Thanh tra đã giao Chính phủ quy định chi tiết, đó là các quy định tại Điều 38 về Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; Điều 56 về thanh tra lại; Điều 60 về Đoàn thanh tra; Điều 79 về công khai kết luận thanh tra; Điều 87 về trưng cầu giám định; Điều 90 về yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; Điều 91 về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; Khoản 4 Điều 96 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra; Điều 105 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; Khoản 3 Điều 106 về xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra.

leftcenterrightdel
 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh (ảnh đứng) góp ý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra năm 2022. Ảnh: PV

Tuy nhiên, để Dự thảo Nghị định hoàn thiện hơn nữa cần xem xét thấu đáo các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, thuật ngữ “cơ quan thanh tra nhà nước” được sử dụng trong Dự thảo Nghị định không phù hợp với Luật Thanh tra năm 2022. Bởi tại Điều 9 của Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, bao gồm năm cơ quan sau:

- Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính;

- Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực;

- Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ;

- Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ;

- Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Như vậy, thuật ngữ “cơ quan thanh tra nhà nước” không còn được sử dụng trong Luật Thanh tra năm 2022. Vì vậy, ban soạn thảo cần điều chỉnh trong Dự thảo Nghị định thuật ngữ “cơ quan thanh tra nhà nước” bằng thuật ngữ “cơ quan thực hiện chức năng thanh tra”.

Thứ hai, quy định về trách nhiệm của thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, tại Điều 4 Dự thảo Nghị định còn chung chung, không lượng hóa được nên khó có cơ sở để quy trách nhiệm. Quy định này cần quy định theo hướng “giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương”.

Thứ ba, lược bỏ những việc thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành không được làm ở Điều 4 Dự thảo Nghị định khi đã được quy định tại Điều 8 của Luật Thanh tra năm 2022.

Thứ tư, quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, tại Điều 16 của Dự thảo Nghị định phù hợp với yêu cầu tham gia các chương trình bồi dưỡng quy định tại Điều 18 của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ. Cụ thể, “Thanh tra Chính phủ quy định nội dung, chương trình, phương thức, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các ngạch thanh tra viên; chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra theo tiêu chuẩn ngạch thanh tra viên và kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”.

Thứ năm, cần quy định rõ căn cứ, đối tượng thanh tra lại tại Chương III của Dự thảo Nghị định, cụ thể:

- Tại Điều 19 của Dự thảo Nghị định phải thể hiện rõ thanh tra lại sẽ được thực hiện khi có một trong các căn cứ tránh sự hiểu nhầm khi áp dụng pháp luật.

- Quy định bổ sung thuật ngữ “đối tượng”  tại điểm b, khoản, Điều 22 của Dự thảo Nghị định.

Thứ sáu, cần bỏ cụm từ “phải từ Phó Trưởng phòng” hay “tương đương trở lên” trong các quy định về tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra tại khoản 2, Điều 22 của Dự thảo Nghị định. Bởi vì, quy định khoản 2, Điều 60 của Luật Thanh tra năm 2022, Trưởng đoàn thanh tra phải là người đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên.

Thứ bảy, về giám định trong hoạt động thanh tra:

- Cần bổ sung quy định rõ nội hàm giám định trong hoạt động thanh tra;

- Việc giới hạn thời gian giám định do hai bên thỏa thuận nhưng không quá ½ thời gian tiến hành cuộc thanh tra tại khoản 1, Điều 34 của Dự thảo Nghị định là không hợp lí. Vì thời hạn giám định sẽ phụ thuộc vào nội dung giám định.

Thứ tám, về hình thức công khai kết luận thanh tra:

Tại khoản 2, Điều 48 của Dự thảo Nghị định quy định: “người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức: Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử…” là chưa đúng với Điều 79 của Luật Thanh tra năm 2022, theo đó “người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra bằng hình thức đăng tải trên Cổng thông tin điện tử…” là hình thức bắt buộc chứ không phải là lựa chọn thêm.

Thứ chín, về nội dung theo dõi, đôn đốc:

Tại khoản 4 và khoản 5, Điều 52 của Dự thảo Nghị định quy định chưa phù hợp với nội dung theo dõi, đôn đốc. Bởi, đây là nội dung thực hiện quyền của người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc.

Thứ mười, các quy định về xử lý vi phạm trong theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra chưa được cụ thể hóa rõ trong Dự thảo Nghị định./.

TS Trần Thị Thúy,
Phó Trưởng Khoa Nghiệp vụ Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra