Bộ Tài chính với cơ cấu tổ chức có quy mô lớn, số lượng cán bộ công chức đông và rộng khắp các địa bàn trong cả nước; đối tượng quản lý phức tạp, hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều rủi ro cần tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 03 quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đã quy định cơ quan thực hiện chức năng thanh tra tại Bộ Tài chính gồm: Thanh tra Bộ, 3 cơ quan thanh tra Tổng cục thuộc Bộ Tài chính, 7 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp Tổng cục, Cục thuộc Bộ và các Cục thuộc 4 Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, việc nâng lên 11 đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, góp phần tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác thanh tra.
Đặc biệt, Nghị định số 03 ra đời góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Bộ tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức Thanh tra tài chính; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thanh tra; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra của Bộ nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
|
|
Thanh tra Bộ Tài chính làm việc với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Thái Minh |
Năm 2024, được sự quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính đã chủ động phát huy vai trò tham mưu giúp lãnh đạo Bộ quản lý về công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành Tài chính; xây dựng, kiện toàn thể chế tổ chức, đề xuất giải quyết những vướng mắc trong phối hợp, triển khai thực hiện nhiệm vụ trong toàn Ngành.
Các quy định cụ thể trong Luật Thanh tra và Nghị định số 03 đã khắc phục cơ bản việc tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra ngay từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra, đến khi tiến hành thanh tra.
Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thường xuyên, tích cực trao đổi, phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra để làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ cử cán bộ, công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng về công tác thanh tra đáp ứng quy định.
|
Số liệu tổng hợp trong 11 tháng đầu năm 2024 cho thấy, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra thuộc Bộ đã thực hiện hơn 72 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra hơn 663 nghìn hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và xử lý 16.390 vụ việc chống buôn lậu; kiến nghị xử lý tài chính 115.320 tỷ đồng. |
Ngay sau khi Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ban hành, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị đã chủ động nghiên cứu, mời đại diện Thanh tra Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị triển khai công tác thanh tra chuyên ngành tại Bộ Tài chính. Tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác thanh tra còn một số vướng mắc, Thanh tra Bộ Tài chính có một số đề xuất như sau:
Xuất phát từ những vướng mắc trong quá trình triển khai công tác, Thanh tra Bộ Tài chính đã đề xuất Thanh tra Chính phủ sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ để thực hiện thống nhất toàn ngành thanh tra như: (1) Thông tư quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, trong đó quy định hệ thống mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra. (2) Thông tư quy định về trang phục ngành Thanh tra, trong đó hướng dẫn trang phục cho công chức thanh tra chuyên ngành của Cục thuộc Bộ mà đã có trang phục ngành.
Về thời hạn thanh tra, tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 06 ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định: “5. Thời hạn thanh tra là khoảng thời gian được tính từ ngày công bố Quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.”
Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03 mới quy định thời hạn thanh tra không quá 45 ngày (đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Tổng cục, Cục thuộc Bộ tiến hành), không quá 30 ngày (đối với cuộc thanh tra do Cục thuộc Tổng cục tiến hành).
Do đó, Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị, khi ban hành Thông tư, Thanh tra Chính phủ sẽ hướng dẫn rõ hơn về thời hạn thanh tra là ngày liên tục (bao gồm ngày nghỉ, lễ tết) hoặc là ngày làm việc (trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) để việc triển khai được thống nhất trong toàn ngành.
Ngoài ra, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2025, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đề xuất Thanh tra Chính phủ tiếp tục quan tâm, tổ chức kịp thời các lớp bồi dưỡng, đào tạo thanh tra viên, đào tạo nghiệp vụ thanh tra và đào tạo các nghiệp vụ khác để đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng cho công chức cho toàn ngành Thanh tra nói chung và công chức thuộc Thanh tra ngành Tài chính nói riêng./.